so sánh NỒI CHÈ KHOAI (vợ nhặt) và xương rồng luộc chấm muối (chiếc thuyền ngoài xa)

Học Lớp

Administrator
Thành viên BQT
Cảm nhận của anh/chị về chi tiết nồi “chè khoán” của bà cụ Tứ trong truyện “Vợ nhặt”( Kim Lân) và “xương rồng luộc chấm muối” trong lời kể của nhân vật người đàn bà hàng chài truyện “Chiếc thuyền ngoài xa”( Nguyễn Minh Châu).

1.Vài nét về tác giả, tác phẩm
- Kim Lân ( 1920-2007) là cây bút chuyên viết truyện ngắn. Ông có nhiều tác phẩm có giá trị về đề tài nông thôn và nông dân. Sáng tác của Kim Lân phản ánh chân thực, xúc động cuộc sống của người dân quê mà ông hiểu biết sâu sắc về cảnh ngộ và tâm lí của họ. “Vợ nhặt” là một trong những truyện ngắn hay nhất của nhà văn Kim Lân và của văn xuôi hiện đại Việt Nam sau 1945, trích trong tập truyện “Con chó xấu xí”;
- Nguyễn Minh Châu (1930 – 1989) là một tác gia tiêu biểu của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam. Hành trình sáng tác của ông trải qua hai thời kỳ, thời kỳ chống Mỹ và thời kỳ đổi mới sau 1975. Ở thời kỳ đổi mới, Nguyễn Minh Châu được coi là một trong những cây bút tiên phong và đạt được nhiều thành tựu xuất sắc. Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” sáng tác năm 1983 là một truyện ngắn đặc sắc của ông trong chặng đường văn thời kỳ đổi mới.
- Nêu ý kiến cần nghị luận: chi tiết nồi “chè khoán” của bà cụ Tứ trong truyện “Vợ nhặt”( Kim Lân) và “xương rồng luộc chấm muối” trong lời kể của nhân vật người đàn bà hàng chài truyện “Chiếc thuyền ngoài xa” để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc.

2.Cảm nhận hai chi tiết nồi chè khoán và xương rồng luộc chấm muối
a.Cảm nhận chi tiết nồi “chè khoán” của bà cụ Tứ trong truyện “Vợ nhặt”( Kim Lân)
*Ý nghĩa về nội dung
- Hoàn cảnh xuất hiện chi tiết: trong bữa cơm ngày đói đón con dâu mới của bà cụ Tứ
- Thể hiện số phận của một bà mẹ nghèo khổ trong nạn đói Ất Dậu năm 1945
- Tâm trạng vui mừng của bà cụ Tứ trong ngày hạnh phúc của con trai
- Ca ngợi tấm lòng nhân hậu, vẻ đẹp của tình mẫu tử thiêng liêng
- Chi tiết có giá trị hiện thực: gián tiếp tố cáo tội ác của bọn thực dân phát xít lúc bấy giờ. Chính chúng là thủ phạm đẩy người nông dân vào hoàn cảnh bi đát nhất.
- Chi tiết có giá trị nhân đạo: trong tận cùng của cái đói, cái chết, người nông dân Việt Nam vẫn thương yêu, cưu mang nhau, có niềm tin vào tương lai và sự sống bất diệt.
* Ý nghĩa nghệ thuật :
- Là chi tiết rất quan trọng thúc đẩy sự phát triển của cốt truyện, khắc họa sắc nét tính cách, tâm lí và hành động của nhân vật bà mẹ nghèo nhưng rất thương con
- Là chi tiết nhỏ nhưng gửi gắm tư tưởng lớn: tin tưởng vào khát vọng sống hạnh phúc và sức mạnh của tình thương, của tình người.

b.Cảm nhận chi tiết “xương rồng luộc chấm muối” trong lời kể của nhân vật người đàn bà hàng chài ...
*Ý nghĩa về nội dung
- Hoàn cảnh xuất hiện chi tiết: trong lời kể của người đàn bà hàng chài với chánh án Đẩu tại toà án huyện.
- Lời kể của người đàn bà đã hé mở cuộc đời lam lũ, bất hạnh của chính bà và của cả gia đình bà;
- Dự báo nguyên nhân của nạn bạo hành gia đình mà bà sẽ kể tiếp sau đó cho chánh án Đẩu và nghệ sĩ Phùng nghe ở phần sau. Lão đàn ông vì khổ quá nên xách bà ra đánh;
- Chi tiết có giá trị hiện thực: phản ánh cái đói, cái nghèo của người dân miền biển nói riêng, của người dân nói chung thời hậu chiến;
- Chi tiết có giá trị nhân đạo: Nhà văn thể hiện nỗi lo âu, khắc khoải về tình trạng nghèo cực, tối tăm của con người; gióng lên tiếng chuông báo động về tình trạng bạo hành gia đình mà gốc rễ của nó chính là do đói nghèo gây ra.

* Ý nghĩa nghệ thuật :
- Là chi tiết chân thực, tạo cầu nối giữa phần trước đó và sau đó để mạch truyện được dẫn dắt tự nhiên, góp phần tạo tình huống nhận thức của câu chuyện.
- Là chi tiết nhỏ nhưng gửi gắm tư tưởng và nghệ thuật mới mẻ của nhà văn: cần quan tâm nhiều hơn tới số phận cá nhân trong những hoàn cảnh phức tạp, đời thường.

3.Về sự tương đồng và khác biệt
- Tương đồng. Cả hai chi tiết đều gợi nhớ đến cái đói trong cuộc sống, góp phần biểu hiện tình mẫu tử thiêng liêng. Những chi tiết đó đều bộc lộ khả năng sáng tạo độc đáo của các nhà văn Việt Nam trước và sau năm 1975.
- Khác biệt. “Chè khoán” của bà cụ Tứ đã gửi gắm bức thông điệp: trong cái đói, cái chết thì sự sống đã ươm mầm, trong khổ đau đã có hạnh phúc, trong hiện tại đã thấy tương lai. “ Xương rồng luộc chấm muối” tạo ra sức ám ảnh lớn với người trong cuộc ( trong truyện là nhân vật Phùng và chánh án Đẩu) và người ngoài cuộc ( bạn đọc), đó là: chính cái đói, cái nghèo sinh ra tội ác. Phải có cái nhìn toàn diện và nhân văn về số phận con người sau chiến tranh.

Nguồn: Thầy Nhật