Ngữ văn 12 Đàn Ghitar... khúc tưởng niệm LOR-CA

Học Lớp

Administrator
Thành viên BQT
Chúng ta từng biết đến một quốc gia nằm ở Tây nam châu Âu, chiếm 1/6 diện tích bán đảo Pyrênê và một số đảo ở Địa Trung Hải và Đại Tây Dương, thời đại Phục Hưng đã sản sinh ra một nhà văn vĩ đại Xéc- van- tét với bộ tiểu thuyết bất hủ về chàng hiệp sĩ Đôn – ki – hô – tê. Đây cũng lànơi đã bảo trợ cho nhiều cuộc phát kiến địa lý vĩ đại như phát hiện ra châu Mĩ của Côlômbô 1492, cuộc đi vòng quanh thế giới đầu tiên của Magienlăng 1519 – 1522. Với Đàn ghi ta của Lorca ta sẽ được hiểu thêm về một nhà thơ, nhạc sĩ nhà soạn kịch nổi tiếng người Tây Ban Nha: Fê-đê-ri-cô Gác-xi-a Lor-ca, qua khúc tưởng niệm của nhà thơ Việt Nam: Thanh Thảo.

Sinh năm 1946 quê: Mộ Đức, Quảng Ngãi, Thanh Thảo tốt nghiệp khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, tham gia kháng chiến chống Mĩ cứu nước ở chiến trường miền Nam. Sau 1975, ông chuyên hoạt động văn nghệ và báo chí. Thanh Thảo là phó chủ tịch Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam, chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ngãi, được nhận giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam 1979, là gương mặt tiêu biểu của phong trào thơ trẻ thời kì chống Mĩ cứu nước, đồng thời, là cây bút có nhiều nỗ lực đổi mới thơ Việt Nam đương đại được dư luận rộng rãi quan tâm. Năm 2001, ông vinh dự được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

Thanh Thảo được người đọc biết đến qua các sáng tác hay, độc đáo về chiến tranh và thời hậu chiến: Những người đi tới biển (1977), Dấu chân qua trảng cỏ (Thơ- 1978) Khối vuông Ru-bích (1985), Những ngọn sóng mặt trời (1994-Trường ca), Cỏ vẫn mọc (2002-Trường ca)…Những năm gần đây ông viết báo, tiểu luận phê bình. Nhưng đóng góp quan trọng nhất vẫn là thơ ca. Thơ Thanh Thảo là tiếng nói của người tri thức nhiều suy tư trăn trở về cuộc sống. Ông luôn tìm tòi, khám phá, sáng tạo cách biểu đạt mới qua hình thức câu thơ tự do, đem đến một mĩ cảm hiện đại cho thơ bằng thi ảnh và ngôn từ mới mẻ.

Thơ Thanh Thảo viết về đề tài nào cũng đậm chất triết lí. Mạch trữ tình trong thơ ông đều hướng tới những vẻ đẹp của nhân cách: nhân ái, bao dung, can đảm, trung thực và yêu tự do. Thơ ông dành mối quan tâm đặc biệt cho những con người sống có nghĩa khí như: Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu, Ê-xê- nhin, Lor-ca...

“ Đàn ghi ta của Lor-ca” rút trong tập “ Khối vuông Ru- bích” là tác phẩm tiêu biểu cho tư duy thơ Thanh Thảo: giàu suy tư, mãnh liệt và phóng túng, ít nhiều nhuốm màu sắc tượng trưng và siêu thực

Nhân vật được nói đến - đối tượng trữ tình của bài thơ: Fê-đê-ri-cô Gác-xi-a Lor-ca (1898- 1936) là nhà thơ, nhà soạn kịch Tây Ban Nha sinh ở làng Phu-en-ta Va-kê-rôx, tỉnh Grê-na-đa, nam E-xpa-nha, xứ sở của mặt trời, từ nhỏ đã bộc lộ khả năng thơ ca, hội họa và âm nhạc, sân khấu. Lớn lên, ông học Đại học Luật theo nguyện vọng của cha và cũng học cả Triết và Văn. Năm 1919, sau khi học ĐH Luật, ông lên thủ đô Ma-đrít và bắt đầu sáng tác Văn học. Những năm 1929 - 1930, sang Pháp, Anh, Mĩ, Cu- ba rồi trở về nước cộng tác với tờ báo Tháng Mười, một tờ báo tiến bộ chống Phát xít. Ông cũng tham gia liên minh chống phát xít.

Nói đến Gác- xi- a là nói đến một nhà thơ yêu cuộc đời, yêu con người, yêu Tổ quốc và nhân dân Tây Ban Nha tha thiết. Ông vừa nồng nhiệt cổ vũ nhân dân đấu tranh với những thế lực phản động để giành quyền sống vừa khởi xướng và thúc đẩy mạnh mẽ những cách tân trong các lĩnh vực nghệ thuật. Thơ Gác-xi-a trong sáng giản dị, giàu màu sắc, giàu nhạc điệu, đậm đà hơi thở của ca dao dân ca mà ông đã phiêu dạt khắp đất nước để sưu tầm, ghi chép. Ông cũng coi đó là suối nguồn vô tận nuôi dưỡng cho mọi sáng tác nghệ thuật của mình. Có nhà nghiên cứu đã cho rằng, “Nhờ những vần thơ tài hoa mang đậm chất dân gian của Lor ca mà ta như nghe thấy tiếng bình minh than khóc ánh hoàng hôn, tiếng đàn ghi ta cất lên xao xuyến...cũng chính nhờ thơ ông mà màu sắc Tây Ban Nha hiện lên với chiều dài thẳm sâu của lịch sử, những sắc màu độc đáo nồng nhiệt, nhưng vẫn phảng phất đâu đó một nỗi buồn mênh mang trong tâm hồn...”

Năm 1936, cả Tây Ban Nha kinh hoàng trước cái chết của Lor ca. Bọn phát xít đã bắt giam và sát hại Lor ca một cách vô cùng thảm khốc.

Xúc động trước cuộc đời và cái chết của Gác-xi-a, Thanh Thảo đã chọn khoảnh khắc bi phẫn nhất cuộc đời nhà nghệ sĩ thiên tài mà bạc mệnh: phút giây bị điệu về bãi bắn và cái chết để nói về nhà thơ mà mình yêu quí.

Mở đầu bài thơ, ta như cảm nhận được không khí ngột ngạt của đất nước Tây Ban Nha thời điểm Lor ca sống: Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt - Hình ảnh thơ cho ta một hình dung khá ấn tượng về những xung lực ghê rợn nhất, khi chính quyền độc tài đang trút máu lên chiếc áo choàng đỏ gắt trùm phủ cả Tây Ban Nha. Từ trong bối cảnh chính trị nóng bỏng đó, ta thấy hình tượng Lor- ca được hiện lên từ những nét chấm phá theo lối ấn tượng:

những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
li-la li- la li- la ...
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn​

Tiếng đàn bọt nước là âm thanh hồn nhiên của tiếng đàn dân dã, gợi sự phiêu du, trôi dạt, vừa tròn trịa đẹp đẽ, vừa dễ tan vỡ, mong manh, tiếng đàn với màu nước trắng trong như làm dịu bớt màu đỏ gắt như đang bùng bùng thiêu đốt. Tiếng đàn không chỉ là sinh mệnh mà còn là bi kịch của người nghệ sĩ. Hình ảnh Áo choàng đỏ gắt trước hết nhắc tới môn đấu bò tót, một sinh hoạt văn hóa khiến Tây Ban Nha nổi tiếng toàn thế giới. Và hình tượng Lor- ca được miêu tả nổi bật trên cái nền rộng lớn của văn hóa Tây Ban Nha để lại một ấn tượng đặc biệt ám ảnh. Hình ảnh tấm áo choàng đỏ gắt không chỉ giúp ta liên tưởng đến khung cảnh của một đấu trường. Đây còn là hình ảnh mang tính biểu trưng cho văn hóa mang màu sắc Tây Ban Nha, hình ảnh biểu trưng cho lịch sử đẫm máu của đất nước này dưới họa phát xít. Một đấu trường quyết liệt giữa công dân Lor-ca cùng khát vọng dân chủ với nền chính trị độc tài, giữa nền nghệ thuật già nua Tây Ban Nha với nghệ thuật cách tân của Lor-ca.

Hai hình ảnh này mở đầu thi phẩm đã tạo thành một nét chủ âm, ở đó có sự tương phản kín đáo mà gay gắt giữa vẻ khiêm nhường và sự ngạo nghễ; cái giản dị hồn nhiên và sự chói gắt; nghệ thuật và thế lực bạo tàn; thân phận bọt bèo và thực tại tàn khốc (Chu Văn Sơn ), giữa phận người mong manh đơn độc và hiện thực đầy tranh chấp đối chọi.

Sau hai câu mào đầu đó là chuỗi đàn Li-la li- la.. mô phỏng nốt nhạc ghi ta. Đó là một chuỗi âm buông do người đệm đàn ghi ta lướt qua hàng dây để kết thúc phần dạo, những âm thanh ngẫu hứng mà đầy xao xuyến ta đã có lần nghe thấy nhạc sĩ Trần Tiến du ca. Đấy cũng là chuỗi âm kết thúc bài thơ để lại bao dư vị đắm say và những ngẫm ngợi sâu xa về chuỗi hoa tím ngát mà người phương Tây hết sức ưa chuộng như cảm nhận tinh tế của một người nào đó về loài hoa Li-la: Hoa Tử đinh hương.

Vầng trăng chếnh choáng là hình ảnh của vẻ đẹp say đắm, vẻ lãng tử và tâm hồn trong trắng, mộng mơ tha thiết yêu tự do và cuộc sống gắn liền với thiên nhiên hoang dã của Lor ca. Nối tiếp Vầng trăng chếnh choáng là Yên ngựa mỏi mòn gợi nghĩ về hình tượng người nghệ sĩ cô đơn trên hành trình đi tìm cái đẹp trong thế giới bạo tàn, cô đơn trong chính cuộc đấu tranh vì lý tưởng cao đẹp nhưng không phải ai cũng là người thấu hiểu. Gác- xi- a được tôn vinh là con chim họa mi của thơ ca Tây Ban Nha, bởi chất nhạc dân gian quyện hòa đến từng hơi thở. Tình yêu đất nước, nhân dân cùng chất nghệ sĩ tài tử đã khiến Gác- xi- a tự nguyện làm người du ca đi lang thang với cây đàn ghi ta, hát lên những bản nhạc thơ lãng đãng.

Liên tiếp chuỗi hình ảnh: Tiếng đàn bọt nước/ Áo choàng đỏ gắt / Vầng trăng chếnh choáng/ Yên ngựa mỏi mòn /Cô gái Di- gan./ “ li-la, li-la, li-la...” đều là những hình ảnh làm nổi bật không gian văn hóa Tây Ban Nha. Hình tượng Lor- ca nổi bật trên nền văn hóa đó, làm rõ ấn tượng về một Lor-ca- con người tự do, một ca sĩ dân gian. Đó là một ca sĩ đơn độc lang thang hát nghêu ngao cùngtiếng đàn bọt nước cùng với vầng trăng chếnh choáng, trên yên ngựa mỏi mòn. Anh đã dùng tiếng đàn ghi ta để giãi bày nỗi buồn đau và khát vọng yêu thương của nhân dân mình.

Ở đây, nhà thơ đã dùng vốn thi liệu được tái tạo từ di sản thơ của chính Lorca. Trong bài thơ Khúc dạo của Lor ca, ta từng nghe những tiếng đàn bập bềnh: Còn để trên sông/ Bập bềnh tiếng vọng; Trong Sóng về đâu, ta lại thấy tiếng đàn như nhập cùng dòng nước và con sóng : Sóng ơi sóng về đâu/ Tôi cười và trôi đi/đến tận bờ biển cả/ Biển ơi biển về đâu/ Ngược dòng nước tôi tìm/ Về sối nguồn an nghỉ; Trong Ghi nhớ, ta lại gặp tiếng đàn Như dòng nước sâu thổn thức/ như tiếng gió thở dài/ trên đỉnh núi lạnh băng...Bằng cách đó, tác giả như”Vừa nhập cấu trúc ca khúc vào lòng bài thơ, vừa khảm thêm tiếng nhạc vào lời thơ...bắc một nhịp cầu tương giao để hồn kẻ hậu sinh nói lời đồng điệu với bậc tiền nhân xứ sở Tây ban cầm” (Chu Sơn).

Như vậy, qua sáu dòng thơ đầu, chân dung Lor- ca đã hiện lên với những nét phác họa bằng màu sắc, hình ảnh, âm thanh. Ở đó, ta gặp một thế giới phiêu lãng, cô đơn với tiếng đàn phiêu du gợi cảm giác trôi dạt bồng bềnh. Và trong thế giới lãng du rộng lớn đó, ta đã gặp một Vầng trăng chếnh choáng như đồng hành cùng chàng ca sĩ lang thang Trên yên ngựa mỏi mòn- Những hình ảnh thơ đầy ấn tượng. Nhưng cao trào của xúc cảm chỉ thực sự dâng lên khi nhà thơ nói về cái chết của Lor ca và nỗi tiếc thương của bao người dân Tây Ban Nha trước sự thực phũ phàng.

Những nhà thơ thiên tài hay dự cảm và bị ám ảnh về cái chết. Không ai quên lời di chúc viết sớm của Lor ca: Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn ghi ta. Lời thơ như một lời nguyện cuối, nhưng chính Lor ca cũng không thể ngờ cái chết lại đến với mình sớm như vậy. Cái chết đã phũ phàng ập xuống thân phận anh như một điều ngang trái. Lor ca chập chờn đi vào cõi chết mà vẫn chưa hết bàng hoàng Chàng đi như người mộng du. Ba mươi bảy tuổi, Lor-cabị bọn phát xít Phrăng- cô giết và ném xác để phi tang. Mất mát kinh hoàng này đã được tác giả sử dụng nhiều hình ảnh thực tổng hoà với các biện phápnghệ thuật để miêu tả:

Tây Ban Nha hát nghêu ngao
bỗng kinh hoàng
áo choàng bê bết đỏ​

Cái chết oan khuất của Lor- ca càng gây trong ta lòng căm thù với bọn phát xít và sự thương cảm sâu sắc đối với người nghệ sĩ dân gian. Âm điệu câu thơ vang lên, vừa xa xót, bi phẫn, vừa rất đỗi kiêu hùng, bất chấp trận tử thương:

tiếng ghi ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi ta lá xanh biết mấy​

Theo bước chân của chàng lãng tử, ta như được chứng kiến giây phút Lor ca bước ra pháp trường, mắt vẫn hướng về bầu trời có ”cô gái ấy”, không màng đến cái chết cận kề. Trong khoảnh khắc bi thương, vẫn cháy lên trong anh tình yêu thiết tha với cuộc sống, và tình yêu thủy chung với người bạn gái thuở nào. Tiếng ghi ta nâu – màu nâu là màu của chiếc vỏ đàn ghi ta, màu da của cô gái ấy hay còn là màu của đất đai quê hương, màu của tình thương da diết? Tiếng ghi ta lá xanh mang màu xanh của sự sống, gắn với bầu trời cô gái ấy, gắn với tình yêu cao cả thiêng liêng mà hai người đã dành trọn cho nhau. Tiếng ghi ta tròn bọt nước một lần nữa trở lại, nhưng nó không còn reo vui nhảy nhót hân hoan nữa mà đột ngột bị cắt đứt ”Vỡ tan” để rồi sau đó là tiếng ghi ta đau thương ”Ròng ròng máu chảy”. Tiếng súng vang lên, tiếng hát cũng không còn. Bắn Lor ca, kẻ thù cũng bắn luôn vào tiếng đàn, tiếng đàn như cũng phải chịu nỗi đau thương, nó cũng có sự sống, có linh hồn, cũng chịu sự bất hạnh như chính người tạo ra nó. Ròng ròng là biểu tượng của nỗi đau đớn tột cùng mà ta như thấy nó đang hiện hình thành dòng chảy bi phẫn.

Như vậy, sự kiện kinh hoàng thảm khốc trong hiện thực đã được nhà thơ Thanh Thảo tái tạo bằng những cú sốc ngôn ngữ nối tiếp nhau thể hiện theo lối tượng trưng chuyển đổi cảm giác. Một loạt âm thanh tiếng ghi ta vỡ vụn ra thành màu sắc, hình khối và thành dòng máu chảy. Chữ Ròng ròng trong bản dịch khiến ta như nhìn thấy bằng màu sắc, hình khối, đường nét, và cảm nhận được cả nỗi đau đớn tự linh hồn. Nỗi buồn này, hình tượng nghệ thuật trên, hình như ta đã có lần gặp trong truyện Kiều của Nguyễn Du (Một cung gió thảm mưa sầu/ Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay )
Đến khổ thơ thứ ba, giọng thơ như trầm hẳn xuống trong nỗi xót niềm thương Lor- ca được chuyển hóa thành niềm tin về sự bất tử của tiếng đàn Lor- ca:
không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang.​
Tiếng đàn tượng trưng cho nghệ thuật của Lor-ca. Đó là cái đẹp mà sự tàn ác không thể hủy diệt nổi. Nó sẽ sống, lưu truyền mãi như thứ cỏ dại mọc hoang - Một vẻ đẹp vừa hoang dại, nguyên sơ, vừa diệu kì, thuần khiết, dẻo dai chứa đựng một sức sống mãnh liệt. Nên nhớ Thanh Thảo là nhà thơ làm thơ rất hay về cỏ. Còn nhà thơ Chế Lan Viên cũng đã từng tin rằng :
Những bạn bè yêu anh
sẽ gặp anh trong cỏ
Anh tồn tại mãi
Không bằng tuổi tên mà như tro bụi
Như ngọn cỏ tàn đến tiết lại trồi lên
( Di cảo thơ )​
Và như thế, nỗi xót thương Lor- ca đã được chuyển hóa thành niềm tin về sự bất tử. Tiếng đàn là linh hồn, là sự sống đã vượt lên trên sự chết chóc, lãng quên, không ai chôn được tiếng đàn...Đồng thời, tiếng đàn còn như một ẩn dụ kép nói về nỗi xót thương của mọi người trước cái chết của Lor ca.

Tuy nhiên, ý thơ còn có thể hướng gợi theo một khía cạnh khác. Sinh thời, Lor- ca đã dặn”Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn ghi ta”, lời dặn đó thể hiện nhân cách nghệ sĩ, tình yêu say đắm với nghệ thuật và tình yêu tha thiết với đất nước Tây Ban Nha của Lor- ca. Lời đề từ ấy không phải là thứ trang sức cho thi phẩm này mà phần nào đã khái quát lên nội dung tư tưởng của bài thơ. Lor- ca cho rằng cần phải biết chôn nghệ thuật của ông để thi ca đó không trở thành vật án ngữ, cản trở sự sáng tạo nghệ thuật, giúp nghệ thuật đi tới, vươn cao hơn. Nhà thơ Thanh Thảo đã thật sự cảm thông đến tận cùng với Lor- ca. Nghệ sĩ Lor- ca ra đi bất ngờ khiến hành trình cách tân nghệ thuật của ông bị dang dở và con đường ông đã đi qua không ai thực sự thấu hiểu. Và như thế, dường như Lor ca sẽ còn phải tiếp tục dấn thân ”Bơi sang ngang/ trên chiếc ghi ta màu bạc” bước vào một cuộc đấu quyết liệt chống lại sự lãng quên và trì đọng trong nghệ thuật bằng trái tim người nghệ sĩ.

Hình ảnh giọt nước mắt vầng trăng là một ẩn dụ nghệ thuật đặc sắc. Đó là giọt nước mắt long lanh sáng đẹp như vầng trăng hay giọt nước mắt của vầng trăng, giọt nước mắt là vầng trăng vẫn long lanh đáy giếng? Không ai biết. Chỉ biết nỗi đau là có thực, nhưng nó không khiến ta cảm thấy bi lụy, yếu hèn.Trái lại nó như vẫn chứa đựng một sức sống riêng, kẻ thù không dễ gì dập tắt. Hình ảnh vầng trăng lần thứ hai trở lại, nhưng không phải để nhắc nhớ về kiếp lãng du, về không gian văn hóa dân gian, mà là hình ảnh cuộc đời, là biểu tượng nghệ thuật, là sự trường cửu, vĩnh hằng dưới tầng tầng nước phủ của thời gian, mãi mãi xót thương người đã chết, hay vầng trăng chính là sự hóa thân của người nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh? Biết bao yêu thương, đồng cảm, trân trọng và những liên tưởng thức dậy trong một hình ảnh thơ...
Bài thơ đi vào đoạn kết như một huyền thoại thần kì về Lor ca:

đường chỉ tay đã đứt
dòng sông rộng vô cùng
Lor ca bơi sang ngang
trên chiếc ghi ta màu bạc​

Đường chỉ tay là hiện thân của thiên mệnh. Đường chỉ tay đã đứt là cú giáng phũ phàng trái ngang của số mệnh (Chu Văn Sơn ). Sự tương phản giữa đường chỉ tay mỏng manh như chứa đựng cả số phận với dòng sông của thế giới mênh mang mà rộng vô cùng gợi bao nỗi suy tư về cái hữu hạn của kiếp người và cái vô hạn của cuộc đời, con người không thể nào vượt qua được.

Ấn tượng sâu đậm nhất trong đoạn thơ có lẽ là hình ảnh:
Lor ca bơi sang ngang
trên chiếc ghi ta màu bạc​
Lor ca bơi trên chiếc ghi ta như bơi trên con thuyền nghệ thuật để sang một cõi khác. Chiếc ghi ta nâu đã hóa thành chiếc ghi ta màu bạc, vì nó đã được hóa để sang cõi khác (Chu Văn Sơn) hay đơn giản hơn, màu bạc là màu của sự cao khiết, trong sạch, thẳng ngay? Hay màu bạc còn là màu của vầng trăng, màu của ánh sáng phiêu lãng trên dòng sông vô cùng vẫn tiếp tục ngân lên những âm thanh kì diệu?

Giờ đây, Lor ca không còn tin vào sự cứu rỗi linh hồn, lá bùa của cô gái Di-gan tượng trưng cho vẻ đẹp huyền bí, vô thức; Hành động ném lá bùa, ném trái tim đều hàm ý về sự giải thoát một cách quyết liệt, chàng muốn thực sự ném bỏ hết mọi hệ lụy trần gian. Hay đó cũng là một cách giã từ thanh thản, mang đậm chất nghệ sĩ? Chỉ biết, lá bùa định mệnh đã trôi vào xoáy nước – Xoáy nước là tai họa trên dòng sông số phận, dòng sông ranh giới giữa cõi thực và cõi hư – cuộc đời người chiến sĩ kiên cường chống phát xít đã Lặng yên bất chợt, nhưng tiếng đàn - hồn thơ vẫn tỏa lan giữa cuộc đời, mỗi giọt âm thanh đã tan hòa thành sắc hoa bất tử... Li-la, li-la, li-la...
Tiếng đàn, cây đàn - nhạc cụ quen thuộc và giai điệu âm nhạc phóng túng trẻ trung, mãnh liệt vốn là phần không thể thiếu trong số phận người ca sĩ, thi sĩ Lor ca. Đó là một phần đời của người nghệ sĩ, biểu tượng cho khát vọng, cảm xúc, tư tưởng của con người sáng tạo ra nó. Trong suy tưởng của Thanh Thảo, Lor ca đã hóa thân vào tiếng đàn, cây đàn. Nó trở thành sinh thể, sinh mệnh, thành máu thịt, kết thành hình hài của người nghệ sĩ. Phải chăng đó cũng là tính chất tượng trưng, siêu thực của hình ảnh này?

Tiếng đàn được gợi lên bằng màu sắc vừa chói lọi, thảm khốc, và rực rỡ, ấm nồng, vừa mê hoặc trẻ trung (Tiếng ghi ta tròn, ghi ta xanh, ghi ta nâu, bầu trời cô gái...) Thế giới ghi ta là thế giới của sự sống, tình yêu, niềm đam mê cháy bỏng với cuộc đời, là nỗi đau và diễm phúc được yêu, được cất lời và được dấn thân...Tất cả hòa vào nhau tạo thành giai điệu bi thiết !

Tiếng đàn được gợi lên bằng hình ảnh tròn bọt nước với đường cong của khối cầu đẹp đẽ; bằng hình lá mềm mại, bằng giọt máu đang ròng ròng tuôn chảy...những hình ảnh mang tính tạo hình cao, đạt giá trị biểu cảm sâu sắc.

Tiếng đàn được gợi lên bằng chuỗi âm thanh “ Li-la, li-la, li-la...” luyến láy sau hai câu đầu như khúc dạo đầu một ca khúc. Và chuỗi âm thanh ấy còn được dùng để kết thúc bài thơ như nốt cuối của bản nhạc mang ý nghĩa của sự tri âm và kính trọng đối với người nhạc sĩ, nhà thơ Tây Ban Nha Phê-đê-ri-cô Ga-xi-a Lor-ca. Đó còn là tên một loài hoa – biểu tượng của sự sống đang nảy sinh từ cái chết đau thương của người nghệ sĩ mà sắc thắm dịu dàng đã nở thành muôn đóa, ngàn đóa “ Li-la, li-la, li-la...”

Dòng suy tưởng về cây đàn, tiếng đàn cũng là dòng suy tưởng về số phận đầy bi kịch của người nghệ sĩ và sức sống của cái Đẹp trong nghệ thuật.

Thể thơ tự do, không dấu câu, không dấu hiệu mở đầu, kết thúc, sử dụng hình ảnh, biểu tượng- siêu thực... có sức chứa chở lớn về nội dung. Màu sắc Tây Ban Nha rất đậm nét trong bài thơ cùng sự kết hợp hai yếu tố thơ và nhạc.... đã khiến tác giả thể hiện nỗi đau và sự xúc động sâu sắc trước cái chết bi thảm của Lor-ca - một nghệ sĩ khao khát tự do, dân chủ, luôn mong muốn sự cách tân nghệ thuật và nghệ thuật phải luôn đi tới không ngừng. Tình yêu con người, tình yêu nghệ thuật và khát vọng tự do mà Lor- ca hằng ôm ấp là cái đẹp mà sự tàn ác không thể nào hủy diệt được.

Bài thơ miêu tả Lor-ca, một nghệ sĩ tự do có lí tưởng cách tân về nghệ thuật, sống cô đơn trong khung cảnh chính trị Tây Ban nha và cái chết oan khuất của ông do thế lực tàn ác gây ra đồng thời thể hiện niềm xót thương của tác giả và những suy tư về cuộc giải thoát và giã từ của người nghệ sĩ. Thanh Thảo từng tâm sự: ”Lor ca là nhà thơ mà tôi hết sức ngưỡng mộ. Cả về thi ca lẫn cuộc đời và cái chết đều gây cho tôi nhiều cảm xúc và ấn tượng. Chính những hình ảnh và nhạc điệu trong nhiều bài thơ của Lor ca đã dẫn dắt tôi khi viết bài thơ mà tôi coi như một khúc tưởng niệm”.

Từ xưa đến nay, đã biết bao người làm thơ về tiếng đàn. Trong bản hòa ca của cuộc đời này, ta đã từng nghe những tiếng mau, tiếng khoan, rồi gió thảm mưa sầu nức nở của nàng Kiều, từng thổn thức cùng nỗi lòng người ca nữ trên bến Tầm Dương... và đến lượt mình, Thanh Thảo đã nhập hồn cùng với tiếng đàn thiên sứ của con chim họa mi xứ sở Tây ban cầm để cất lên những vần thơ mang vẻ đẹp tưởng như mong manh mà bất tử. Giờ đây, Lor Ca đã ngủ giấc ngủ vĩnh hằng, an giấc ngàn thu trong lòng đất mẹ, nhưng những gì ông trao gửi cho đời thì còn sống mãi. Có người đã cho rằng, với Cây đàn ghi ta của Lor ca, Thanh Thảo đã in được dấu chân của mình trên trảng cỏ nghệ thuật. Điều đó thật chẳng dễ dàng gì, bởi nếu không chịu khó tìm tòi đổi mới về tư duy và hình thức diễn đạt, dấu chân ấy sẽ bị lu mờ ngay giữa trùng trùng những dấu chân trên chặng đường đi tới của sáng tạo nghệ thuật!