Học Lớp

Administrator
Thành viên BQT
Khối lượng tục ngữ Việt Nam do nhân dân lao động sáng tạo và lưu truyền, tích lũy từ lâu đời rất phong phú. Tục ngữ cung cấp cho lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân, cho ngôn ngữ văn chương một hình thức biểu hiện súc tích, có tính khái quát cao.

Tục ngữ là thể loại văn học dân gian nhằm đúc kết kinh nghiệm, tri thức của nhân dân dưới hình thức những câu nói ngắn gọn, súc tích, có nhịp điệu, dễ nhớ, dễ truyền.

2. Phân biệt tục ngữ với những hình thức gần với tục ngữ

Với phương ngôn, ngạn ngữ

Phương ngôn là tục ngữ địa phương, phạm vi nhỏ hơn tục ngữ.

Ngạn ngữ là lời nói lưu hành từ xưa, chủ yếu là những lời hay, ý đẹp được truyền tụng.

Với thành ngữ

Tục ngữ và thành ngữ có quan hệ nhau rất chặt chẽ, vì vậy trong hoạt động nghiên cứu, sưu tập trước đây có xu hướng gộp chung, không có sự phân biệt giữa chúng.

Nguyễn Văn Tố trong Tục ngữ ta đối với tục ngữ Tàu và tục ngữ Tây: Tục ngữ là câu nói quen trong thế tục, nhiều câu nghĩa lý thâm thúy, ý tứ sâu xa.

Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học sử yếu: Một câu tục ngữ tự nó phải có ý nghĩa, hoặc khuyên răn, hoặc chỉ bảo điều gì , còn thành ngữ chỉ là lời nói có sẵn để ta tiện dùng mà diễn đạt một ý, một trạng thái gì cho có màu mè

Vũ Ngọc Phan trong Tục ngữ ca dao dân ca: Tục ngữ là một câu tự nó diễn đạt trọn vẹn một ý, một nhận xét, một kinh nghiệm, một luân lý, một công lý, có khi là một sự phê phán. Thành ngữ là một bộ phận câu có sẵn mà nhiều người quen dùng nhưng tự riêng nó không diễn được một ý trọn vẹn.

Thành ngữ là hoa tục ngữ là quả.

- Nước chảy đá mòn.

- Sông cạn, đá mòn.

- Tay làm hàm nhai.

- Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ.


Với ca dao

Nhìn chung, sự khác biệt giữa hai thể loại:

Ca dao thiên về tình cảm, phô diễn tâm tình một cách chủ quan.

Tục ngữ thiên về lý trí, đúc kết kinh nghiệm một cách khách quan.

Có những trường hợp khó phân biệt ranh giới.

- Ai ơi chẳng chóng thì chầy,

Có công mài sắt có ngày nên kim.

- Lời nói chẳng mất tiền mua,

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

3. Nguồn gốc và sự phát triển của tục ngữ

Gorki trong Bàn về nghệ thuật: Nghệ thuật ngôn ngữ sinh ra do quá trình lao động của con người từ xưa, là xu hướng con người muốn đúc kết kinh nghiệm lao động vào một hình thức ngôn ngữ dễ nhớ và bám chặt vào ký ức – những hình thức thơ hai chữ, tục ngữ, truyền ngôn là những khẩu hiệu lao động thời cổ .

Tục ngữ được ức đoán đã có từ thời cổ, nhằm đúc kết những kinh nghiệm, những điều quan sát được trong quá trình lao động, những chân lý thông thường … Trong xã hội có giai cấp, tục ngữ được nhân dân dùng như một công cụ để phát biểu những nhận thức về các kinh nghiệm thực tiễn, các hiện tượng lịch sử xã hội. Nhân dân lao động dùng tục ngữ thể hiện thế giới quan và nhân sinh quan của mình. Những kinh nghiệm của tục ngữ rút ra trong quá trình đấu tranh thiên nhiên và xã hội, được thể nghiệm trong thực tiễn, đã trở thành những chân lý có tính cách phổ biến, được nhân dân công nhận và sử dụng.


Tục ngữ hình thành từ nhiều nguồn:

- Từ cuộc sống thực tiễn, trong đời sống sản xuất và đấu tranh của nhân dân, do nhân dân trực tiếp sáng tác.

- Được tách ra từ tác phẩm văn học dân gian hoặc ngược lại.

- Được rút ra tác phẩm văn học bằng con đường dân gian hóa những lời hay ý đẹp.

- Từ sự vay mượn nước ngoài.

4. Tình hình nghiên cứu tục ngữ

Ðầu tiên đó là các bản ghi chép bằng chữ Nôm vào thế kỷ XIX như Nam phong ngữ ngạn thi của Ðình Thái, Ðại Nam Quốc Túy của Ngô Giáp Ðậu …, bản ghi chữ quốc ngữ như Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn của Huỳnh Tịnh Của (1897), Tục ngữ cách ngôn của Hàn Thái Dương (1920) …

Nhũng năm đầu thế kỷ XX, bên cạnh những bản ghi bằng chữ quốc ngữ, còn có một số bản sưu tập, chú thích nghĩa và dịch tục ngữ Việt Nam sang tiếng Pháp như Tục ngữ An Nam dịch sang tiếng Tây của V. Barbier (Triệu Hoàng Hòa), Ðông Tây ngạn ngữ cách ngôn của H. Délétie và Nguyễn Xán (1931) …

Từ trước cách mạng tháng Tám đến nay đã có những công trình sưu tập và nghiên cứu tục ngữ công phu, có nội dung phong phú:


Tục ngữ phong dao của Nguyễn Văn Ngọc (1942), Tục ngữ dân ca Mường Thanh Hóa của Minh Hiệu sưu tầm (1970), Ca dao, ngạn ngữ Hà Nội Triều Dương … sưu tầm biên soạn (1971), Tục ngữ Thái (1978) …

Tục ngữ ca dao dân ca của Vũ Ngọc Phan (1956), Tục ngữ Việt Nam của Chu Xuân Diên, Lương Văn Ðang, Phương Chi (1975) …

II. NỘI DUNG TỤC NGỮ

Tục ngữ phản ánh những nhận định, quan niệm của nhân dân về lao động, về các hiện tượng lịch sử xã hội, về tư tưởng, đạo đức …

1. Phản ánh những kinh nghiệm về lao động sản xuất

Tục ngữ về lao động sản xuất phản ánh một số nét chính điều kiện và phương thức lao động của nhân dân, phản ánh đặc điểm đời sống dân tộc. Những kinh nghiệm về lao động sản xuất nảy sinh trong quá trình đấu tranh thiên nhiên của nhân dân lao động được đúc kết trong tục ngữ được phổ biến rộng rãi, trở thành tri thức khoa học kỹ thuật dân gian.

Trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt, nhân dân tích lũy được nhiều kinh nghiệm về quy luật diễn biến của thời tiết khí hậu.

- Bờ bãi không bằng phải thì.


- Vấy mại thì mưa, bối bừa thì nắng.

- Mây thành vừa hanh vừa giá.

Trong quá trình lao động sản xuất ở các ngành nghề nông nghiệp, ngư nghiệp, một số nghề thủ công lâu đời, nhân dân cũng đã đúc kết được rất nhiều kinh nghiệm. Trong đó, những kinh nghiệm về làm ruộng chiếm đa số.

- Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống.

Chiêm cập cợi, mùa đợi nhau.

- Cơm quanh rá, mạ quanh bờ.

- Sương quánh cá thu, sương lu cá thừng.

- Lâu đêm hơn thêm hồ.

- Nhất dáng, nhì men, ba chàm, bốn vẽ.

Tục ngữ về lao động sản xuất thể hiện tinh thần sáng tạo của nhân dân trong lao động. Song chủ yếu là kinh nghiệm thực tiễn. Nhiều kinh nghiệm chỉ phản ánh những biểu hiện cụ thể của những quy luật tự nhiên ở địa phương, từng thời điểm nhất định.

2. Ghi nhận các hiện tượng lịch sử xã hội

Tục ngữ nói về các hiện tượng lịch sử xã hội là bộ phận chủ yếu, phản ánh những tập quán, thị hiếu, cuộc đấu tranh của nhân dân …

Một vài ký ức của thời kỳ lịch sử xa xưa của dân tộc:

- Ăn lông ở lỗ.

- Con dại cái mang.

- Năm cha ba mẹ.

Một số hiện tượng lịch sử:


- Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi.

- Hai mốt giỗ cha, hai mươi ba giỗ con.

- Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong.

Tục ngữ Việt Nam chủ yếu phản ánh những đặc điểm sinh hoạt gia đình và xã hội, sinh hoạt vật chất và tinh thần của nhân dân trong thời phong kiến.

Những tập quán, phong tục trong đời sống nhân dân:

- Dưa La, cà Láng, nem Bảng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô Ðầm Sét.

- Lấy vợ đàn bà, làm nhà hướng Nam

- Mồng bày hội Khám, mồng tám hội Dâu, mồng chín đâu đâu trở về hội Gióng.

- Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề.

Những nét sinh hoạt của nông thôn Việt Nam thời phong kiến ;

- Phép vua thua lệ làng.

- Đất có lề, quê có thói.

- Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp.

Phản ánh tổ chức gia đình và những quan điểm thân tộc của nhân dân ta trong xã hội phong kiến:

- Một người làm quan cả họ được nhờ.

- Chết trẻ còn hơn lấy lẽ.

- Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì.

Phản ánh đời sống người lao động và những quan hệ xã hội trong xã hội phong kiến:

- Lấy bát mồ hôi đổi bát cơm.

- Tháng tám đói qua, tháng ba đói chết.


- Bà chúa đứt tay bằng ăn mày xổ ruột.

- Cá lớn nuốt cá bé.

- Quan thấy kiện như kiến thấy mỡ.

- Tức nước vỡ bờ.

3. Thể hiện triết lý dân gian của dân tộc

Tục ngữ phản ánh những kinh nghiệm sống và lối sống của nhân dân, phản ánh truyền thống tư tưởng và đạo đức của nhân dân lao động, trong đó bao hàm những tư tưởng chính trị xã hội và tư tưởng triết học.

Tục ngữ thể hiện chủ nghĩa nhân đạo chân chính của nhân dân lao động. Tư tưởng này biểu hiện trước hết ở những quan niệm về con người.

- Người làm ra của, của không làm ra người.

- Một mặt người hơn mười mặt của.

- Người sống của còn, người chết của hết.

Biểu hiện ở thái độ, đánh giá về lao động, cách xét đoán con người qua lao động.

- Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ.

- Hay làm đầu quang mặt sạch, chẳng hay làm đầu rếch mặt dơ.

- Của một đồng, công một nén.

Tục ngữ thể hiện lòng tự hào, ngợi ca đất nước giàu đẹp, con người tài hoa.

- Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến.

- Ăn Bắc, mặc Kinh.

- Trai Cầu Vồng, Yên Thế, gái Nội Duệ, Cầu Lim.

- Trai Hai Huyện, gái miệt vườn.


Nhiều tục ngữ thể hiện tinh thần đấu tranh của nhân dân lao động chống áp bức, bóc lột.

- Tuần hà là cha kẻ cướp.

- Muốn nói oan, làm quan mà nói.

- Được làm vua, thua làm giặc.

Tinh thần đạo đức

Tục ngữ phản ánh khá phong phú những đức tính của nhân dân lao động, thể hiện truyền thống tư tưởng, đạo đức của nhân dân thông qua những nhận xét, suy gẫm rất sâu sắc về hiện thực.

- Chớ thấy sóng cả mà ngả tay chèo.

- Có công mài sắc có ngày nên kim.

- Ăn lấy chắc, mặc lấy bền.

- Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ.

- Đói cho sạch, rách cho thơm.

- Tốt gỗ hơn tốt nước sơn.

- Chết trong còn hơn sống đục.

Nhân dân còn đề cập đến những biểu hiện khác:

- Đèn nhà ai nấy sáng.

- Giàu đổi bạn, sang đổi vợ.

- Giàu trọng, khó khinh.

Những yếu tố triết học thô sơ

Tục ngữ là những kinh nghiệm của nhân dân trong đời sống thục tiễn, song, nhiều tục ngữ phản ánh những nhận thức có tính chất duy vật tự phát.

- Thầy bói nói dựa.

- Có bột mới gột nên hồ.

- Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài.

- Còn da lông mọc, còn chồi lên cây.

- Được mùa cau, đau mùa lúa.


- Cái sẩy nẩy cái ung.

III. NGHỆ THUẬT TỤC NGỮ

Những đặc điểm nghệ thuật của tục ngữ biểu hiện một cách tập trung những đặc điểm của ngôn ngữ Việt Nam.

1 Mối quan hệ giữa nội dung và hình thức của tục ngữ

Giữa hình thức và nội dung tục ngữ có sự gắn bó chặt chẽ, ở tục ngữ là hình thức nội dung. Tính chất bền vững của tục ngữ biểu hiện cả về mặt nội dung lẫn hình thức.

Tục ngữ có tính đa nghĩa. Một câu tục ngữ thường có hai nghĩa: nghĩa đen và nghĩa bóng.

- Tre già, măng mọc.

- Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.

- Không có lửa sao có khói.

2. Hình tượng

Tục ngữ có tính chất đúc kết, khái quát hóa những nhận xét cụ thể thành những phương châm, chân lý, xu hướng này thể hiện bằng ngôn từ đều qua lối tư duy hình tượng, lối nói hình tượng. Hình tượng của tục ngữ là hình tượng ngữ ngôn. Hình tượng được xây dựng từ những biện pháp so sánh, nhân hóa, ẩn dụ …

- Kẻ cắp gặp bà già.

- Ăn mày đánh đổ cầu ao.

- Người sống đống vàng

- Đũa mốc mà chòi mâm son.

- Đồng vợ đồng chồng, tát biển đông cũng cạn.

3. Vần điệu và sự hòa đối


Đa số tục ngữ đều có vần. Gồm 2 loại: vần liền và vần cách.

- Con lên ba cả nhà học nói.

- Chê thằng một chai, lấy thằng hai nậm.

Nhịp điệu là yếu tố quan trọng trong tục ngữ. Các kiểu ngắt nhịp: trên yếu tố vần, trên cơ sở vế, trên cơ sở đối ý, theo tổ chức ngôn ngữ thơ ca …

- Đường đi hay tối, nói dối hay cùng

- Trai ba mươi tuổi đương xoan.

Gái ba mươi tuổi đã toan về già.

Sự hòa đối là yếu tố tạo sự cân đối, nhịp nhàng, kiến trúc vững chắc cho tục ngữ. Hình thức đối: đối thanh, đối ý.

- Cơm treo, mèo nhịn đói..

- Được làm vua, thua làm giặc.

4. Hình thức ngữ pháp

Tục ngữ có thể có 1 vế, chứa 1 phán đoán.

Tục ngữ thường gồm có 2 vế, chứa 2 phán đoán.

Tục ngữ có thể gồm nhiều vế, chứa nhiều phán đoán.

Những phán đoán trong tục ngữ thường không hiện rõ và đầy đủ. Phần lớn những phán đoán trong tục ngữ là những phán đoán khẳng định.

- Của người bồ tát.

- Chó treo, mèo đậy.

- Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng.

5. Các kiểu suy luận

Liên hệ tương đồng: giữa 2 vế được hiểu ngầm là có các từ so sánh ngang nhau: như, như thể, cũng là…


Liên hệ không tương đồng: có các từ chỉ quan hệ so sánh: hơn, thua, sao bằng…

Liên hệ tương phản, đối lập: các từ chỉ quan hệ hiểu ngầm: mà, nhưng, trái lại…

Liên hệ phụ thuộc: từ chỉ quan hệ hiểu ngầm: nếu …thì …

Liên hệ nhân quả: Từ chỉ sự tất yếu hiểu ngầm: tất phải, tất yếu, đương nhiên …

IV. VỀ TỤC NGỮ MỚI

Từ sau cách mạng tháng Tám, nhiều câu tục ngữ mới ra đời. Nhiều những câu tục ngữ này được tạo thành trên cơ sở cải biên những câu tục ngữ cũ, phản ánh những nét mới trong đời sống sinh hoạt xã hội và đấu tranh cách mạng của nhân dân.

- Một tấc không đi, một li không dời.

- Tiếng hát át tiếng bom.

- Đảng viên đi trước, làng nước theo sau.

Tục ngữ mới vẫn đang trên đường phát triển, phát huy được những truyền thống tốt đẹp của tục ngữ cổ.