Ngữ văn 12 Tuần 10: 1. Soạn bài Đất Nước - Nguyễn Khoa Điềm

Học Lớp

Administrator
Thành viên BQT

Ngữ văn 12 là môn học quan trọng trong nhà trường THPT, là môn thi TN THPT và tuyển sinh vào những trường CĐ&ĐT.


Câu 1 (trang 122 SGK Ngữ văn 12, tập 1)
Bố cục (3 phần)
  • Phần 1 (từ đầu đến Đất Nước có từ ngày đó): Đất nước có từ bao giờ?
  • Phần 2 (tiếp đến Làm nên Đất Nước muôn đời): Đất nước là gì?
  • Phần 3 (còn lại): Đất nước của ai? Do ai làm nên?
=> Các phần này liên kết chặt chẽ trên cơ sở lần lượt bày tỏ những nhận thức, chiêm nghiệm trên nhiều bình diện để lí giải về đất nước.

Câu 2 (trang 122 SGK Ngữ văn 12, tập 1)
- Trong phần 1, tác giả đã cảm nhận về đất nước trên bình diện thời gian, không gian, nguồn cội để cắt nghĩa, lí giải về đất nước.
- Cảm nhận về đất nước trên bình diện thời gian lịch sử:
  • Đất nước đã có từ rất lâu đời: đã có rồi, bắt đầu, lớn lên (các trạng ngữ để phiếm định thời gian, nhấn mạnh đất nước đã có từ xa xưa).
  • Đất nước hình thành từ một cộng đồng người cùng chung ngôn ngữ (cái kèo cái cột thành tên), phong tục, tập quán (ăn trầu, bới tóc sau đầu), truyền thống văn hóa và lịch sử (trồng tre đánh giặc), nếp cảm nếp nghĩ nếp sống (cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn), tập quán kinh tế (hạt gạo phải một nắng hai sương…).
- Cảm nhận về đất nước trên bình diện không gian:
  • Đất nước là không gian sinh tụ, không gian cội nguồn, không gian văn hóa (Đất là nơi chim về/…/Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng).
  • Đất nước trải ra theo chiều dài, chiều rộng kì vĩ: Đất là nơi con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc/Nước là nơi con cá ngư ông móng nước biển khơi.
  • Đất nước thống nhất giữa cái riêng và cái chung, cá nhân và cộng đồng, cụ thể và trừu tượng, vật chất và tinh thần: Trong anh và em hôm nay/…/Đất nước vẹn tròn to lớn.
- Tác giả định nghĩa đất nước một cách độc đáo, tách hai tiếng Đất và Nước để lí giải rồi lại hợp làm một tạo nên những cách hiểu gần gũi mà sâu sắc.
=> Đất nước hiện lên vừa thiêng liêng, cao cả, diệu kì vừa gần gũi, gắn bó.

Câu 3 (trang 122 SGK Ngữ văn 12, tập 1)
  • Nhân dân làm nên đất nước bằng lối sống nghĩa tình, truyền thống đánh giặc, tinh thần hiếu học, nếp cảm, nếp nghĩ, nếp sống bình dị (Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu/…/Bà Đen Bà Điểm). Từ những người có tên có tuổi đến những người dân thường vô danh đều có công lao làm nên đất nước: Và ở đâu trên khắp ruộng đồng…/…/đã hóa núi sông ta.
  • Nhân dân bảo vệ đất nước: Khi có giặc…/…/đàn bà cũng đánh. Nhân dân bảo vệ đất nước như một lẽ hiển nhiên và thanh thản: Họ đã sống và chết/…/…làm ra Đất Nước.
  • Nhân dân giữ gìn, lưu truyền và phát triển đất nước từ yếu tố vật chất đến yếu tố tinh thần: truyền cho ta hạt lúa ta trồng, truyền lửa, truyền giọng điệu, gánh theo tên xã tên làng, đắp đập be bờ,…
  • Tác giả khẳng định thức nhận và suy tư sâu lắng nhất: Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân/Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại.Từ đó, thức tỉnh và thúc giục thế hệ trẻ đương thời sống có trách nhiệm với đất nước giữa bối cảnh kháng chiến chống Mĩ: Dạy anh biết…/…/không sợ dài lâu.

Câu 4 (trang 122 SGK Ngữ văn 12, tập 1)
=> Tác giả sử dụng phong phú và sáng tạo chất liệu văn hóa dân gian (truyền thuyết, cổ tích, ca dao, dân ca, phong tục tập quán…), không kể lể dài dòng cũng không trích dẫn nguyên văn mà vận dụng mềm mại, uyển chuyển trong câu thơ văn xuôi hiện đại khiến câu thơ cất lên vừa mới mẻ, vừa quen thuộc và có tác dụng biểu đạt, biểu cảm cao.