Trong bài Chí mạo hiểm, Nguyễn Bá Học có viết: Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông. Em hãy giải thích v

Học Lớp

Administrator
Thành viên BQT
Đề bài:
Trong bài Chí mạo hiểm, Nguyễn Bá Học có viết: Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông. Em hãy giải thích và phát biểu suy nghĩ về tư tưởng này
Bài làm:
Đường đi khó chính vì ngăn sông cách núi. Đó là một sự thực được mọi người công nhận. Tại sao nhà văn Nguyễn Bá Học lại có thể viết trong bài Chí mạo hiểm: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”.? Tại sao ông lại đưa ra một nhận xét trái ngược hẳn với quan điểm thông thường của mọi người. Để tìm hiểu, chúng ta cần xét xem ông định nói gì trong câu trên và tư tưởng của ông thực ra có giá trị gì?

Xét theo nghĩa đen, Nguyễn Bá Học muốn nói: Xưa nay ai cũng cho rằng sông núi là những trở lực gây khó khăn nhiều nhất cho người khách bộ hành trên con đường thiên lí. Nhưng thực ra còn có một trở lực to lớn hơn nhiều là lòng không quả quyết, thiếu can đảm của người khách bộ hành làm cho người này e ngại những trở lực và không đến được đích. Trái lại, nếu người khách quyết tâm, nhất định vượt hết mọi trở lực, thì dù sông rộng, núi cao cũng vượt qua được một cách dễ dàng. Hiểu theo nghĩa bóng, con đường người lữ khách đi chính là con đường đời, còn sông núi tượng trưng cho những trở lực rất nhiều mà chúng ta gặp trên đường đời. Nhưng nếu chúng ta không vượt qua được các trỏ lực đó, không phải vì những trở lực đó quá to lớn hay nhiều quá, mà chỉ là vì chúng ta không đủ tin tưởng, không đủ lòng quả cảm nên mới ngại núi e sông. Trái lại những trở lực đó không còn nghĩa lý gì nếu chúng ta cương quyết đạt được mục đích. Nói tóm lại, Nguvễn Bá Học muốn tỏ cho người thanh niên biết với chí mạo hiểm, lòng quả quyết, không có điều gì chúng ta không làm được. Nguyên nhân của các sự thất bại trên mọi mặt, không phải là những trở ngại nói trên mà là vì chí ta không quyết, lòng ta không kiên vậy.


Chúng ta cần nhận xét ngay rằng tư tưởng của Nguyễn Bá Học không phải là đặc biệt. Trước ông cũng đã có nhiều người nói lên ý kiến đó dưới một hình thức khác. Ví dụ: “Có chí thì nên” “ở đời chẳng việc gì khó người ta lập chí cũng nên kiên”. Nhưng cái hay của Nguyễn Bá Học là đã diễn tả ý kiến đó dưới một hình thức thơ mộng và gọn gàng súc tích, gợi hình làm cho người đọc thích thú, dễ nhớ hơn. Chính tính cách văn chương đã làm cho câu nói này được phổ biến và chú ý hơn những câu khác. Ngày nay có thể nói là rất ít học sinh lại không thuộc câu nói này. Nếu tác dụng của một tư tưởng là làm thế nào để được phổ biến sâu rộng trong mọi giới thì câu nói trên của Nguyễn Bá Học đã có cái ưu điểm đó.

Nhận xét trên cho ta thấy giá trị của tư tưởng Nguyễn Bá Học đã được công nhận từ lâu qua các câu tục ngữ đã dẫn ở trên; chúng ta đã hơn một lần được học hay được nghe kể chuyện ông Châu Trí nhà nghèo phải đi quét lá đa ở chùa không có thì giờ học ban ngày, ban đêm bắt đom đóm làm đèn mà học, rồi sau này đỗ Trạng nguyên, đạt được mục đích. Nhưng cũng như các câu tục ngữ đã dẫn, thí dụ này đã quá xưa, khiến không còn có tác dụng gì đặc biệt. Muốn chứng minh giá trị của tư tưởng Nguyễn Bá Học chúng ta cần phải lấy những thí dụ mới hơn, làm cho người ta chú ý đến các kết quả hơn.


Không cần phải tìm đâu xa, chính bản thân Nguyễn Bá Học đã có dịp thực nghiệm lời nói đó. Thời của ông là thời phong trào Đông Du của các sĩ phu nước nhà đang sôi nổi. Người Pháp đã dùng đủ mọi cách để ngăn cản phong trào Đông Dư: nào lính gác, nào là hàng dây thép gai ở biên giới, nào là bắt bỏ tù những người muốn vượt tuyến ... Bơi qua được dòng sông, vượt qua được ngọn núi, thoát qua được những bọn lính gác, hàng rào dây thép gai nói trên, - quả là những việc vô cùng khó khăn đối với các nhà nho chân yếu tay mềm, thiếu phương tiện. Vậy mà biết bao sĩ phu nước nhà đã vượt qua được. Đó chẳng là vì các cụ đã không ngại núi e sông sao? Núi sông ngăn cách không đủ để ngăn cản bước tiến của những người hết lòng với nước.

Còn có con sông nào rộng hơn Đại Tây Dương và Thái Bình Dương nữa, sóng to gió lớn làm nản lòng biết bao người, vậy mà nhà hàng hải nổi tiếng Christophe Colombo đã dùng đoàn thuyền vượt biển thành công. Và ngay từ khi lũ nghệ máy bay còn thô sơ, vẫn có những phi công đầu tiên đã một mình dùng chiếc phi cơ nhỏ vượt qua được. Sông rộng sóng to đâu có ngăn được bước đi của những người có chí.


Núi cao phải kể đến Hy Mã Lạp Sơn. Vậy mà đã có biết bao nhiêu đoàn thám hiểm vượt lên tận đỉnh núi; rồi lại còn thám hiểm những dải băng vô tận ở Nam Bắc Cực, sa mạc Sahara, những cuộc thăm dò dưới dòng đất, đáy biển cũng đều có người làm được.

Những thí dụ kể trên, trích trong trăm ngàn thí dụ khác đã cho ta thấy được tư tưởng của Nguyễn Bá Học, theo nghĩa đen, đã được chứng minh một cách hùng hồn trên thực tế.

Còn theo nghĩa bóng thì sao? Trên con đường đời, chúng ta đã gặp biết bao nhiêu trở lực làm thối chí biết bao người. Chỉ cần nêu lên một vài thí dụ.

Còn có trở lực nào ghê gớm hơn là các tật nguyền như mù mắt, chân tay bị tê liệt. Vậy mà với cả tấm lòng qua cảm, chí kiên nhẫn, anh Nguyễn Ngọc Ký bị tật nguyền đã không ngừng vượt mọi trở ngại đế trở thành một nhà giáo ưu tú. Một họa sĩ cụt cả hai tay đã dùng chân vẽ nên những bức tranh tuyệt diệu, những người bị bệnh tê liệt đã trở thành nhà vô địch về môn bơi lội và gần đây, một lực sĩ thế vận hội vừa khỏi bệnh tê liệt đã chiếm huy chương vàng về môn chạy thi. Thế kỉ trước đây, Nguyễn Đình Chiểu bị mù lòa mà vẫn vừa chạy giặc, vừa dạy học, vừa bốc thuốc, đã để lại một sự nghiệp đáng kể.


Trong lịch sử các dân tộc bị áp bức, lấy chân tay chống lại cường quyền, ai chẳng tưởng là làm một việc mơ hồ không thể nào đạt được mục đích. Vậy mà dân tộc Việt Nam ta tuy nhỏ bé nhưng đã bao lần thắng quân xâm lược phong kiến phương Bắc. Cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ vĩ đại của nhân dân ta đã giành toàn thắng là những thí dụ hùng hồn. Như vậy ngay theo nghĩa bóng, tư tưởng của Nguyễn Bá Học cũng đã được chứng minh trên thực tế.

Nói tóm lại, bằng câu nói Nguyễn Bá Học đã cho chúng ta một bài học rất có giá trị về cách lập trí. Bài học này đặc biệt có ích lợi cho thanh niên và học sinh. Trong bất cứ trường hợp nào, người thanh niên và học sinh cũng có thể lấy câu này làm châm ngôn để giải quyết mọi việc trên đường đời, trong gia đình, tại học đường cũng như ngoài xã hội. Với chí quả cảm, lòng kiên quyết, không có gì là ta không làm được, chúng ta nguyện vượt khó vươn lên trong học tập chiếm lĩnh những đỉnh cao của khoa học, cùng nhân dân cả nước mạnh bước trên con đường đổi mới và tâm nguyện lời khuyên của Nguyễn Bá Học cũng như lời kêu gọi thanh niên của Bác Hồ:


“Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên”.