NLXH Tổng hợp 8+ bài văn nghị luận xã hội về Covid-19

Học Lớp

Administrator
Thành viên BQT
Đề bài 1: Trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước đại dịch covid-19.

Và dưới đây là một đoạn trong bài văn của em Diệp Mỹ Quân, lớp 12A5, Trung tâm giáo dục thường xuyên Chu Văn An gởi qua email cho cô giáo:

"...Không nên có thái độ cư xử xa lánh kì thị với người bị nhiễm bệnh. Nếu như sợ có thể bị nhiễm bệnh thì ta nên tránh tiếp xúc với họ nhưng vẫn phải tôn trọng người bệnh. Ngoài những biện pháp trên ta cũng có thể giúp những người lớn tuổi, trẻ em, những người ít tiếp xúc với công nghệ thông tin hoặc những người hiểu sai về bệnh dịch này hiểu rõ hơn và giúp họ tìm cách phòng chống.

Mặt khác, nên phê phán tố cáo những người có hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi hay những người có hành vi tung tin nói sai sự thật khiến người dân hoang mang lo lắng.

Có thể nói đây là một trong những đại nạn của nhân loại, là khoảng thời gian con người lo sợ bất an nhất. Nhưng cũng là khoảng thời gian ta đồng lòng đoàn kết cùng nắm tay nhau để đẩy lùi đại dịch bệnh này...Hãy luôn vững tin vào một ngày mai tươi sáng cho những nạn nhân của bệnh dịch virus corona".

Cô Lưu Phương Hạnh, tổ trưởng Tổ Văn, Trung tâm giáo dục thường xuyên Chu Văn An - người ra đề bài trên, cho biết: "Một trong những nhiệm vụ của môn văn là tuyên truyền, phản ánh đời sống xã hội. Tôi ra đề như trên vừa nhằm mục đích cho học sinh tự tìm hiểu về dịch bệnh nguy hiểm do corona gây ra, vừa tạo điều kiện cho các em rèn luyện văn phong và cách làm một bài văn nghị luận xã hội.

Rất may đề bài này đã được các giáo viên chủ nhiệm đồng tình, học sinh hứng thú. Mặc dù hạn chót nộp bài là ngày 9-2 nhưng em Quân là học sinh nộp bài sớm nhất cho tôi. Tôi khá bất ngờ khi thấy em không những hiểu biết rõ về dịch bệnh do corona gây ra mà còn có thái độ ứng xử rất đúng đắn, lạc quan trước dịch bệnh".

Đề bài 2: Trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề đại dịch corona.
Đại dịch COVID-19 nổ ra đã làm đảo lộn mọi mặt trong cuộc sống của toàn nhân loại. Hiếm khi trong đời người chúng ta được chứng kiến vấn đề sức khỏe của người dân từ mọi quốc gia trên thế giới lại được quan tâm cùng thời điểm như vậy. Và không chỉ dừng lại ở mối quan tâm, nó còn là sự lo lắng thậm chí hoảng sợ đến tuyệt vọng ở nhiều nơi khi bệnh dịch đã tấn công. Ngoài Vũ Hán – Trung Quốc là nơi bắt đầu nguồn dịch, các nước phát triển ở châu Âu và Mỹ lại là những nơi mà đại dịch lây lan và có hậu quả nghiêm trọng cho dù họ có hệ thống y tế được xem là hiện đại của thế giới.

Trong bối cảnh đó, người dân Việt Nam và cả quốc tế đã và đang ngạc nhiên về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam do những nhận định, và quyết sách phù hợp. Việt Nam đã đạt được những thành quả rất đáng ghi nhận để giúp người dân vẫn giữ được cuộc sống ít đảo lộn nhất có thể dù rằng như nhiều người ví von có lẽ trong cuộc đời đây là một cái Tết dài nhất mà họ có.

Chúng ta vẫn phải duy trì một cuộc sống ổn định cả về thể chất lẫn tinh thần, đặc biệt những người lớn tuổi và/hoặc có các bệnh lý nền mạn tính như tim mạch tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, … vì những đối tượng này có kết cục xấu hơn khi mắc COVID-19.

Thật ra, trước khi có đại dịch COVID-19, bệnh tim vẫn là nguyên nhân gây tử vong cao nhất, chiếm hơn 40% số ca tử vong. Và những người ở các nước nghèo có tỉ lệ chết vì bệnh tim cao hơn 2,5 lần so với những người ở các nước giàu hơn trong một nghiên cứu trên 21 quốc gia. Chỉ tính riêng năm 2017, bệnh tim là nguyên nhân tử vong của khoảng 17,7 triệu người. Và Việt Nam chúng ta không là ngoại lệ, cứ 10 người tử vong ở nước ta thì có đến 7 người mắc bệnh thuộc nhóm này. Như vậy, nếu như trước đây những bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường chỉ cần tuân thủ chế độ theo dõi điều trị để ngăn ngừa các biến chứng của bệnh thì bây giờ càng phải tuân thủ chặt chẽ hơn nữa nhằm có được sức khỏe tốt nhất để có thể đương đầu với dịch bệnh một cách an toàn nhất, ít rủi ro nhất.

Tại các nước phương Tây phát triển, rất nhiều ca nhiễm và tử vong là những người lớn tuổi, những người sống một mình hay trong các viện dưỡng lão, nhìn lại Việt Nam chúng ta có thể thấy rõ nét văn hóa truyền thống của Việt Nam trong hoàn cảnh này lại rất có ích khi những thế hệ con cháu thường sống cùng hoặc rất gần gũi để có thể chăm sóc cha mẹ ông bà mình được tốt hơn.

Mặc dù có những điều kiện thuận lợi kể trên, chắc chắn một vấn đề rất quan trọng không thể phủ nhận là người bệnh và/hoặc người thân dù muốn được bác sĩ theo dõi bệnh định kỳ và thường xuyên nhưng cảm thấy lo lắng không an tâm khi đến các cơ sở y tế để khám chữa bệnh với suy nghĩ về nguy cơ bị lây nhiễm virus corona.

Thực tế hơn 2 tháng vừa qua kể từ sau Tết, bản thân tôi cũng đã được nhận rất nhiều những thắc mắc cũng như chia sẻ của bệnh nhân và thân nhân, trực tiếp cũng như qua điện thoại, về những lo ngại rất thực tế này.
  • Nếu tôi lên Sài Gòn khám bệnh có yên tâm không bác sĩ?
  • Đến bệnh viện/phòng khám lúc này có thể bị nhiễm virus corona không bác sĩ?
  • Tôi sợ nhiễm con virus nên tôi không lên khám được, tôi mua thuốc tạm ở quê uống được không bác sĩ?
  • Nhiều người cản nói tôi đừng lên thành phố khám mà tôi nhất định phải lên gặp bác sĩ để lấy thuốc về uống, chứ bệnh tim huyết áp và tiểu đường mà không theo dõi uống thuốc đều đặn còn mau chết hơn nhiễm con virus kia.
  • Có bác thì ở quê xa và không đi xe khách lên Sài Gòn khám được vì quy định của thành phố, lại không có tiền thuê xe riêng đi như một số bệnh nhân khác nên con bác phải chở xe máy lên, mà bác lại ngồi xe lăn chứ không đi lại tốt như người khác, bác bảo phải ráng lên khám để lấy thuốc uống bác sĩ ạ, nhà tôi ở quê xa xôi đâu có mua được thuốc uống …
  • Từ nhà đến bệnh viện khám tôi luôn mang khẩu trang và cái mũ che mặt này, con tôi mua cho mẹ để đi khám cho yên tâm.
  • Tôi theo dõi tin tức thường xuyên nên ngoài đeo khẩu trang tôi còn đeo găng tay cho yên tâm …
Rất nhiều chia sẻ cùng những khó khăn như vậy của bệnh nhân gặp phải trong hoàn cảnh thực tế hiện nay, thậm chí nhiều bệnh nhân không đi khám vì sợ và cũng không mua được thuốc nên ngưng điều trị …

Chưa bao giờ điện thoại tôi rung lên nhiều như vậy, các cuộc tư vấn dài như vậy… Vui là các cuộc tư vấn đó giúp được cho người bệnh. Qua tư vấn tôi còn cảm nhận bệnh nhân chưa có biết hết các chính sách nhà nước hỗ trợ và chăm sóc cho người bệnh nhân mạn tính.

Chẳng hạn những bệnh nhân có Bảo hiểm y tế sẽ được nhận 2 tháng thuốc thay vì 1 tháng như khi chưa có dịch bệnh, người già trên 80 tuổi thì con cháu có thể đến nhận thuốc thay, … Và nhiều bệnh viên, cơ sở y tế công lập và tư nhân, ngoài việc tổ chức công tác sàng lọc bệnh nhân rất kỹ lưỡng đề phòng chống lây nhiễm bệnh, còn đưa ra nhiều phương thức hỗ trợ như người nhà đến khai bệnh cho bác sĩ thay bệnh nhân lớn tuổi đi lại khó khăn, hay bác sĩ sẽ nói chuyện trực tiếp với bệnh nhân qua điện thoại hoặc các cuộc gọi video nhờ các ứng dụng trực tuyến phổ biến qua đó sẽ tư vấn và điều chỉnh thuốc cho bệnh nhân.

Chúng ta đang phải trải qua một giai đoạn khó khăn và thử thách rất lớn, thế nên để những bệnh nhân bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, … có thể tuân thủ điều trị và kiểm soát tốt bệnh của mình trong mùa dịch không dễ dàng gì, nhưng nếu bệnh nhân/thân nhân nhận thức được tầm quan trọng của việc theo dõi và tuân thủ điều trị cùng với sự hỗ trợ tốt nhất phù hợp nhất từ các cơ sở y tế và các bác sĩ, chúng ta sẽ cùng nhau sống vui, sống khỏe để vượt qua đại dịch này an toàn nhất có thể.
 
Sửa lần cuối: