Tình cảm vợ chồng qua bài ca dao: Rủ nhau lên núi đốt than...Ghi lời vàng đá xin mình chớ quên.

Học Lớp

Administrator
Thành viên BQT
Tình cảm vợ chồng, lòng chung thuỷ keo sơn gắn bó là một đề tài lớn trong ca dao dân ca. Ca ngợi điều đó đồng thời ca dao cũng phê phán thói ăn ở phụ bạc có mới nới cũ quên những ngày cơ cực bần hàn. Bài ca dao gợi lên một hình ảnh đầy lam lũ và nhắn nhủ mọi người chớ quên:

Rủ nhau lên núi đốt than​

Chồng mang đòn gánh vợ mang quang giành​

Củi than nhem nhuốc với tình​

Ghi lời vàng đá xin mình chớ quên​

Công việc của hai vợ chồng là đốt than. Đây là công việc rất nặng nhọc. Trước hết là chặt củi, nhặt củi, đốt lấy than đem bán. Gian khổ vất vả nhưng hai vợ chồng biết chung lòng hợp sức cùng gánh vác. Không phải là chỉ có chồng hay vợ lên rừng đốt than mà rủ nhau. Họ cùng nhau lên rừng lao động, chẳng ai bảo ai mỗi người một thứ: “Chồng mang đòn gánh vợ mang quang giành”. Họ có chung một mục đích, một công việc và chung cả tấm lòng nữa. Dẫu cho vất vả gian lao bao nhiêu thì họ vẫn:

Thuận vợ thuận chồng, tát biển đông cũng cạn​

Hay:

Trên đồng cạn dưới đồng sâu​

Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa​

Hạnh phúc lớn của một gia đình là vợ chồng hiểu nhau, thương nhau và sống cho nhau. Cũng không ít những đôi vợ chồng trong cuộc sống gặp lúc túng quẫn hay sinh ra mâu thuẫn thậm chí đổ cho số phận hẩm hiu, thiếu sự đoàn kết thống nhất và kết cục là sự đổ vỡ trong quan hệ.

Ở đây, hạnh phúc đơn sơ trong công việc lem luốc mà đáng quý biết bao.

Củi than nhem nhuốc với tình​

Ở trên ta mới chỉ thấy những công cụ phục vụ cho việc lao động đến đây ta càng rõ hơn: đốt than, củi than nhem nhuốc nhưng là nhem nhuốc với tình. Sự đồng tâm hiệp lực nhất trí của ca hai vợ chồng dồn vào công việc. Càng vất vả càng gian lao thì sự gắn bó càng cao càng lớn:

Chồng em áo rách em thương​

Chồng người áo gấm sông hương mặc người​

Càng vất vả tình cảm càng gắn bó, chồng dù nghèo, dù xấu vẫn là chồng em. Vợ chồng cùng chung sướng khổ, cùng nắng cùng mưa, kỉ niệm ấy sao có thể quên được. Cũng như than kia có nhuốc nhem, thì tình vợ chồng chúng mình càng son sắt trước sau. Rõ ràng từ trong vất vả con người càng gắn bó. Lời nhắn nhủ dồn hết vào câu cuối:

Ghi lời vàng đá xin mình chớ quên​

Lời vàng đá là lời ước hẹn son sắt thuỷ chung. Vàng đá là vật thể rắn, câu ca dao mang ý nghĩa khẳng định tình cảm vợ chồng bền vững không bao giờ phai nhạt. Mình là hai người nhưng cũng là cách gọi xưa của vợ chồng. Dù vất vả đắng cay xin chớ quên lời vàng đá. Đó chính là hạnh phúc cuộc đời và đó cũng chính là đạo lý truyền thống xưa nay:

Rủ nhau xuống biển mò cua​

Đem về nấu quả me chua trên rừng​

Em ơi! Chua ngọt, đã từng​

Non xanh nước bạc xin đừng quên nhau​

Ca dao dân ca đề cập đến tất cả các mối quan hệ trong tình cảm của con người. Nhưng nổi bật nhất là tình cảm gia đình - mà sâu sắc nhất là vợ chồng. Vợ chồng sống với nhau phải yêu thương kính trọng nhau, sự thuỷ chung là thước đo quan hệ vợ chồng. Dường như ở họ tình cảm dành cho nhau là vô bờ. Cho nên khi một trong hai người mà phụ bạc:

Khi xưa anh bủng anh beo​

Tay bưng đĩa muối lại đèo miếng chanh​

Bây giờ anh mạnh anh lành​

Anh theo duyên mới anh đành phụ tôi​

Lời phê phán nhẹ nhàng mà thấm thía hướng người ta đến một lối sống tình nghĩa là ngọt bùi cay đắng có nhau.

Tóm lại bài ca dao ca ngợi tình cảm thủy chung son sắt của vợ chồng. Trong cuộc sống muôn vàn khó khăn điều mà người ta phải giữ gìn là tình cảm cha con, anh em, vợ chồng... Có được như vậy thì cuộc sống gia đình mới tốt đẹp, hạnh phúc.