Tin mới Thay đổi phương án thi THPT 2019: Nguy cơ nào trượt tốt nghiệp?

Học Lớp

Administrator
Thành viên BQT
Phương án thi THPT quốc gia năm 2019 do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đã tạo nhiều ý kiến trái chiều trong giới giáo dục. Theo tính toán của các chuyên gia, phương thức mới sẽ dẫn đến tỉ lệ tốt nghiệp THPT 2019 giảm từ 15 - 20%.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD -ĐT) đã chính thức công bố phương án thi THPT quốc gia 2019 với một số điều chỉnh thay đổi so với năm 2018.



Không chỉ các khâu ra đề, coi thi, chấm thi có những thay đổi, việc công bố kết quả thi và xét công nhận tốt nghiệp của kỳ thi THPT quốc gia 2019 cũng có những thay đổi đáng kể.
Theo Bộ GD-ĐT, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 vẫn nhằm mục tiêu giảm áp lực và tốn kém cho xã hội và bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh ĐH, CĐ. Đồng thời cung cấp thông tin phản hồi về chất lượng giáo dục phổ thông để điều chỉnh quá trình dạy học…
Đáng chú ý là việc sử dụng kết quả thi để xét tốt nghiệp sẽ có sự thay đổi tỷ lệ so với năm 2018. Năm 2019, việc xét tốt nghiệp điểm các bài thi THPT quốc gia sẽ chiếm 70%, còn lại 30% là điểm trung bình năm lớp 12 của thí sinh.

Trong khi đó, điểm xét tốt nghiệp năm 2018 gồm điểm các bài thi của thí sinh để xét công nhận tốt nghiệp THPT theo quy định, điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) và điểm trung bình cả năm lớp 12. Điểm của từng bài thi được quy về thang điểm 10 để tính điểm xét tốt nghiệp.

Với thay đổi này, các nhà giáo dục, các thầy cô giáo dự đoán học sinh lớp 12 có học lực trung bình sẽ bị ảnh hưởng và có nguy cơ trượt tốt nghiệp rất cao.
Thực tế, những năm vừa qua, điểm thi THPT quốc gia không quyết định việc thí sinh có được tốt nghiệp hay không mà còn phụ thuộc vào kết quả học tập năm lớp 12.
Chỉ tính riêng cho học sinh thi và có xét tốt nghiệp năm 2018 (không tính các thí sinh đã tốt nghiệp ở những năm trước dự thi chỉ để xét tuyển ĐH), điểm trung bình năm lớp 12 của học sinh cả nước là 7,61 (năm 2017 là 7,34). Điều này có nghĩa dù không có điểm khuyến khích, một học sinh lớp 12 năm 2018 chỉ cần điểm trung bình của 4 bài thi THPT quốc gia 2,39 điểm (và không bị điểm liệt) cũng sẽ tốt nghiệp THPT.

trượt tốt nghiệp.jpg

So sánh tỉ lệ xét tốt nghiệp mới và cũ của các chuyên gia đưa ra.

Theo phân tích của các chuyên gia, nếu như điểm xét tốt nghiệp THPT gồm: 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp THPT + 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh + điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) là một cách tính hoàn toàn bất lợi cho học sinh có học lực trung bình. Tỉ lệ tốt nghiệp THPT sẽ giảm từ 15% - 20%.

Trong một công bố mới đây, tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai (ĐH Quốc gia TP.HCM) nhận định rằng nếu áp dụng công thức của năm 2019, khả năng sẽ có 116.103 học sinh đủ điểm xét tốt nghiệp năm 2018 sẽ không đủ điểm để xét tốt nghiệp năm 2019. Theo đó, tỉ lệ tốt nghiệp sẽ giảm khoảng 15%.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM nhận định, có 3 yếu tố để có thể dự đoán tỉ lệ tốt nghiệp 2019, tuy có thể giảm nhưng chỉ giảm ít, thậm chí vẫn ở mức trên 90%. Một là như đã công bố, đề thi năm 2019 chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 và ở mức độ dễ hơn để đáp ứng mục tiêu xét tốt nghiệp THPT. Hai là điểm khuyến khích và điểm ưu tiên vẫn tiếp tục được áp dụng, và ba là theo xu thế "nước lên thuyền lên", nhiều trường THPT sẽ nâng điểm trung bình cả năm lớp 12 của học sinh lên cao hơn nữa.

Các thống kê cho thấy, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT trong những năm gần đây luôn ở mức trên 90%. Cụ thể năm 2014 là 99,09%, năm 2015 là 91,58%, năm 2016 đạt 92,93%, năm 2017: 97,42, và cao nhất là năm 2018 tỉ lệ tốt nghiệp THPT đạt đến 97,57%.

Có thể thấy điều kiện để học sinh tốt nghiệp THPT trong những năm vừa qua là dựa vào điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm khuyến khích. Chỉ tính riêng học sinh thi và có xét tốt nghiệp năm 2018, điểm trung bình năm lớp 12 của học sinh cả nước là 7,61 (năm 2017 là 7,34). Như vậy, nghĩa là một học sinh lớp 12 chỉ cần đạt được điểm trung bình của 4 bài thi THPT quốc gia 2,39 điểm (và không bị điểm liệt) cũng sẽ tốt nghiệp THPT.

Bộ GD –ĐT cần lắng nghe ý kiến phản biện của các chuyên gia, các nhà giáo dục, các thầy cô giáo và chính các em học sinh để có thể điều chỉnh hợp lý về phương thức phương thức thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2019 một cách hiệu quả nhất.

Tú Viên
Nguồn: motthegioi.vn