Ngữ văn 12 Phân tích hình tượng tiếng đàn lorca trong đàn ghita của lorca thanh thảo

Học Lớp

Administrator
Thành viên BQT
1. Giới thiệu
- Thanh Thảo là một trí thức giàu suy tư, trăn trở với các vấn đề xã hội và thời đại, cũng là một nhà thơ có những khám phá, sáng tạo riêng trong nghệ thuật thơ ca để đem đến cho thơ một mĩ cảm thật hiện đại.

- Lorca là nhà thơ Tây Ban Nha có khát vọng tự do và khát khao sáng tạo. Ông đã tự nguyện làm người du ca, mang theo cây đàn ghi ta cất lên những bài ca tranh đấu với chính quyền độc tài chuyên chế, giãi bày nỗi đau buồn và khát vọng yêu thương tha thiết của nhân dân. Chế độ phản động cực quyền thân phát xít đã giết Lorca song không giết nổi tiếng nói nghệ thuật của người nghệ sĩ ấy.

- Bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca” là tiếng nói tri âm, là khúc tưởng niệm của một người nghệ sĩ với một người nghệ sĩ. Xây dựng hình tượng tiếng đàn, Thanh Thảo muốn khẳng định sự bất tử của tiếng nói nghệ thuật mà Lorca đã sáng tạo và dâng hiến cho đời.

2. Phân tích
- Trong văn chương, hình tượng tiếng đàn từng được gợi ra qua cách so sánh với những âm thanh khác (tiếng hạc bay, tiếng suối, tiếng gió thoảng, tiếng mưa…), được thể hiện với các yếu tố của âm nhạc (cao độ, trường độ, cường độ, âm sắc…), được liên tưởng với các hiện tượng thiên nhiên (ánh sáng, nước mắt…)

- Trong bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca”, Thanh Thảo không trực tiếp miêu tả âm thanh tiếng đàn mà tập trung miêu tả một thế giới của tưởng tượng và cảm xúc do tiếng đàn ấy gợi lên. Với Thanh Thảo, tiếng đàn là âm thanh tiếng lòng của Lorca, phản chiếu cuộc sống và tâm hồn Lorca. Vì thế, nói về tiếng đàn mà Thanh Thảo không dùng những từ trực tiếp miêu tả âm thanh (nâu, tròn, vỡ tan) và bằng những hình ảnh thoạt nhìn không có mối liên hệ gì rõ rệt (bọt nước, bầu trời cô gái ấy, lá xanh biết mấy, bọt nước vỡ tan, ròng ròng máu chảy, cỏ mọc hoang) tạo nên sự giao thoa lạ lùng giữa âm thanh và hình ảnh.

- Hệ thống hình ảnh mà nhà thơ sử dụng để gợi ra tiếng đàn ghi ta của Lorca là những hình ảnh có khả năng gợi mở một bức tranh cuộc sống muôn màu vẻ mà cũng có một sức ám ảnh lạ lùng (làm rõ ý nghĩa các hình ảnh bọt nước, bầu trời cô gái ấy,lá xanh biết mấy, bọt nước vỡ tan, ròng ròng máu chảy, cỏ mọc hoang). Thông qua hệ thống hình ảnh ấy, Thanh Thảo vừa gợi ra một bức tranh cuộc sống muôn màu vẻ của người nghệ sĩ, vừa gợi được sự vận động của hình tượng tiếng đàn trong cuộc sống từ một thực thể tồn tại ngắn ngủi, mong manh đến một thực thể hội tụ trong nó muôn sắc màu của sự sống và cuối cùng trở thành một sinh thể, một sự sống có sức sống bất diệt.

- Cùng với hệ thống hình ảnh, trong bài thơ có hai lần Thanh Thảo mô phỏng âm thanh tiếng đàn bằng chuỗi điệp âm “li-la li-la li-la” có tác dụng như những điểm nhấn làm nổi bật hình tượng tiếng đàn. Lần thứ nhất nó vang lên lãng đãng, ngân nga trong một không gian dữ dội của đấu trường chính trị và đấu trường nghệ thuật trên xứ sở TBN. Lần thứ hai nó vang lên như những dư âm không dứt của tiếng đàn, những dư ảnh không tan của sự sống vẫn đang lặng lẽ tỏa hương. ở vị trí mở đầu và kết thúc bài thơ, chuỗi âm thanh này góp phần hoàn tất hình tượng âm thanh tiếng đàn như một sự sống mãnh liệt mà mơ hồ, kiêu bạc mà lãng đãng, ngân vang da diết mà lặng lẽ để gợi mở những cảm nhận, hình dung về một hình tượng khác- hình tượng Lorca.

3. Đánh giá
- Đàn ghi ta của Lorca- tiếng nói nghệ thuật của riêng Lorca- không thuần túy chỉ là âm thanh, giai điệu mà còn là toàn bộ con người Lorca với khát vọng đấu tranh và đổi mới nghệ thuật, nó biểu hiện tâm hồn nghệ sĩ của Lorca, một tâm hồn mang tình yêu tự do và khát vọng hòa nhập trái tim mình với cuộc sống của nhân dân.
- Cùng với việc nhắc lại một câu thơ Lorca trong lời đề từ (Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn), hình tượng tiếng đàn trong bài thơ có ý nghĩa khẳng định sự sống, niềm tin, hi vọng, khẳng định sức mạnh đấu tranh với kẻ thù và sức sống vượt lên cái chết của người tạo ra nó. Nói cách khác,Thanh Thảo muốn khẳng định rằng Lorca sẽ bất tử cùng với tiếng đàn, cây đàn sẽ kéo dài sự sống, nối dài khát vọng của Lorca.

"Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn", lấy lời đề từ cho thi phẩm bằng chính lời của F.G.Lorca, Thanh Thảo đã tự bộc lộ ý tưởng sáng tác của mình, cây đàn Ghita và Lorca là hai hình tượng thơ xuyên thấm vào nhau. Sự tồn tại của Lorca là sự tồn tại của tiếng ghita và ngược lại. Trong đó tiếng đàn như một sinh thể sống song trùng với nhịp đập trái tim Lorca. Đàn ghi ta, và những cung bậc mà nó rung ngân là tâm hồn Lorca, là một phần của con người ông là sự sống của chính ông. Vì lẽ đó tiếng đàn ghita trong bài thơ như một hình tượng chất đầy ám ảnh.

Ngập tràn trong thi phẩm là tiếng đàn ghi ta, mở đầu là chuỗi âm li-la li-la li-la, giống như người nghệ sỹ vuốt những sợi tơ đàn chuẩn bị cho khúc nhạc cất lên. Và kết thúc lại là chuỗi âm thanh day dứt li-la li-la li-la, chạy trong không gian của những dấu chấm lửng biểu diễn khoảng lặng, về cực vô cùng. Theo đó, tiếng đàn trở thành sự sống muôn màu, là khí quyển gắn với cuộc đời, sự nghiệp Lorca. Tiếng đàn, biểu hiện tâm hồn nghệ sĩ của Lorca là tình yêu cuộc sống và khí phách kiên cường của người chiến sĩ yêu tự do, hoà nhập trái tim mình với con người và cuộc sống.

Thanh Thảo viết về tiếng đàn bằng sự cảm nhận của nhà thơ nay về tiếng đàn xưa. Nhà thơ không miêu tả âm thanh của tiếng đàn mà dùng màu, dùng hình ảnh về màu “nâu”, “lá xanh biết mấy”, về hình khối, không gian “tròn”, “bọt nước”, “bầu trời cô gái ấy”, và những hình ảnh vận động “bọt nước vỡ tan”, “cỏ mọc hoang”; tiếng đàn mang số phận “ròng ròng máu chảy”. Cách viết ấy tạo ra những liên tưởng sự xuyên thấm đầy sức khơi gợi giữa âm thanh và hình ảnh. Mỗi hình ảnh về tiếng đàn mang một ý nghĩa, một biểu cảm riêng mở ra trường liên tưởng về cuộc sống muôn màu.

Đang trong một không gian “Đơn độc””Kinh hoàng”, giữa sắc màu ghê rợn “Áo choàng bê bết đỏ”, giữa giây phút cái chết cận kề, đột ngột liên tưởng bay vút lên hòa nhập vào không gian khác:

tiếng ghi-ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi-ta lá xanh biết mấy​

Trong ngôn ngữ hội họa, màu nâu là biểu tượng của sự hồn nhiên trung thực, màu của đất. Cái hồn nhiên trung thực ấm nồng ấy giữa giây phút ranh giới của sự sống và cái chết bỗng bừng thức dậy cùng với bầu trời và cô gái. Đó là không gian hồi ức mà tiếng đàn mang lại, một không gian xanh sắc của sự sống của tình yêu lứa đôi. Trước cái chết người ta kinh hoàng và mưu cầu sự sống và thường liên tưởng suy nghĩ về những gì đen tối, ở đây bầu trời tâm hồn người nghệ sỹ vẫn đắm đuối với bầu trời ngọt ngào thấm đãm hương tình. Tiếng Ghi ta xanh trở thành biểu tượng của tâm hồn lãng mạn Lorca, một thứ lãng mạn như đôi cánh bay qua cõi chết.
Ở giai điệu tiếp theo, tiếng ghita rung lên thổn thức:

tiếng ghi-ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi-ta ròng ròng
máu chảy​

Hình ảnh bọt nước gợi liên tưởng về sự mỏng manh trôi nổi. Hình thành từ trong nước, nổi trôi trên mặt nước mong manh như không thể gì hơn, rồi tan vỡ. Nó như một sự thật cuộc sống phù du hữu hạn có sinh có diệt của đời người. Nhưng nó đau hơn ở chỗ những cái mới, cái đẹp trước sức mạnh bạo tàn của cái cũ, cái xấu, cái ác vốn tồn tại như một hệ thống ác quỷ thật khó lòng tồn tại. Nó sẽ bị tiêu diệt khi mà chưa đi hết cuộc đời mà quy luật dành cho nó. Thanh Thảo đã hướng người đọc vào hình ảnh so sánh độc đáo này và giúp họ tìm thấy trong chiếc bọt nước, hình ảnh một Lorca ngã xuống khi đang còn rất trẻ, khi lý tưởng của ông đang theo đuổi còn rất dở dang trong một cái chết bi thương. Và đồng thời cũng thấy được một Lorca dẫu chỉ như một chiếc bọt nước nhỏ bé nhưng đã vượt lên đồng loại ở chỗ dám nổi lên sống động, khi mà tất cả im lặng trật tự nơi cái mặt phẳng mặt nước im lìm trong cố hữu, cũ kỹ, già nua.

Nhưng sự thật, tiếng đàn vẫn “Ròng ròng máu chảy”. Cách liên tưởng độc đáo này làm cho tiếng đàn trở thành một sinh thể sống, và nó đang đổ máu cho tự do cho cuộc sống, nó đang bị tiêu diệt một cách phi lý nhất. Thi sĩ đã xây dựng được bức tranh đậm chất bi tráng về Lorca - bị hành hình dã man và xác bị ném xuống giếng. Từ bức tranh này, dường như Thanh Thảo muốn nêu lên một quan điểm nghệ thuật: Nghệ thuật thuộc về cuộc sống, của cuộc sống nên nghệ thuật chính là cuộc sống nó có số phận như một con người vậy.

Nếu kết nối câu thơ những tiếng đàn bọt nước ở đầu bài với các câu thơ khác là tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan và tiếng ghi ta ròng ròng – máu chảy, sẽ thấy những ý nghĩa ẩn tàng dư ba đằng sau lớp ý nghĩa diễn tả âm thanh tuôn trào, sôi động của tiếng đàn. Tiếng đàn giống như tiếng kêu cứu của con người, của cái đẹp vang lên trong thế giới bạo tàn.

“không ai chôn cất tiếng đàn”- Câu thơ gợi nhiều ý nghĩa cần suy ngẫm. Tiếng đàn không thể “chôn cất” được bởi nó là môt giá trị tinh thần, sự tồn tại của nó vượt ra ngoài mọi giới hạn vật chất. Dập vùi về tinh thần với hy vọng khuất phục vốn là một điều khó, xác định sự tồn tại của nó trong tư duy, trong trái tim con người lại khó hơn, và giết chết nó vốn là điều không thể nằm ngoài tầm tay và ý chí chủ quan của thế giới loài người. Phải chăng, đây chính là một một ẩn dụ về thế giới bạo tàn Tây Ban Nha, không nhận biết được những giá trị của Lorca và từ Lorca, đã vùi dập ông. Cái chết về thể xác chúng có thể thực hiện, nhưng tinh thần và ý chí của ông chúng không bao giờ tiêu diệt được. Đây là một logic dẫn đến so sánh đầy ấn tượng “tiếng đàn như cỏ mọc hoang”. Hình ảnh cỏ mọc hoang gợi sức sống mãnh liệt, không gì ngăn cản được. Nó là một hiện thực của tự nhiên, chưa bao giờ và ở đâu trên trái đất cỏ có thể lụi tàn tuyệt diệt, ngược lại sự hồi sinh và sức sống của nó mãnh liệt vô biên. So sánh này làm bật lên sức sống của tiếng đàn Lorca như một tất yếu bất diệt. Và đó chính là triết lí nghệ thuật của Thanh Thảo đem đến cho người đọc: nghệ thuật nằm ngoài mọi quy luật của băng hoại, chỉ mình nó không thừa nhận cái chết.

“li - la li - la li - la” …​

Chuỗi âm thanh này xuất hiện cuối thi phẩm như một điểm nhấn làm nổi bật hình tượng tiếng đàn. Hòa nhập với chuỗi âm thanh đầu bài thơ nó làm cho hình tượng tiếng đàn trở nên hoàn thiện. Đồng thời mở ra những liên tưởng về hình tượng mới, hình tượng Lorca với sức sống và khát vọng tự do mãnh liệt, trên nền nhạc bảng lảng, chập chờn những yêu thương và những khốc liệt bạo tàn.