Đọc Hiểu và NLXH "Đam mê khác biệt" văn lớp 12

Học Lớp

Administrator
Thành viên BQT
ĐỀ bài: Khi học lớp 2, tôi thường nghe các bác khen anh nào thi đỗ Đại học bằng một câu rất đặc biệt: Thằng A, thằng B là cái “trán” của xóm tôi đấy. Tôi nhớ năm đó cả làng mới có một người thi đỗ Đại học Y, tổng điểm ba môn Toán, Hóa, Sinh lại rất cao và được sang Hungary du học. Anh ấy trở thành cái trán được nhắc đến nhiều nhất của cả làng. Như một huyền thoại. Mấy năm liền đi đâu cũng nghe nhắc, nghe kể.

Rồi làng dần dần có nhiều người đỗ Đại học. Có năm truyền hình còn về làm cả một phóng sự về một làng quê có số học sinh thi đỗ Đại học với tỉ lệ rất cao. Nói theo cách của các bác là làng tôi giờ đi đâu cũng toàn thấy những trán là trán.

Ước vọng nhiều nên học vấn và tri thức thuở xưa đã thường xuyên được đánh đồng với đỗ đạt. Cũng như các bác của tôi cứ quy tất cả về “cái trán", xem nó là biểu tượng của sự thông minh sáng láng, của học hành đỗ đạt. Lớn lên tôi nhận ra đó là ước mong khi thầm kín, khi bộc lộ, nhưng luôn mãnh liệt của thế hệ những người như bác tôi. Đi học và đỗ đạt là cơ hội đổi đời, là phẩm giá , là mục tiêu của nhiều thế hệ, của dòng họ, của xóm, của làng, của huyện...

Điều đó vô tình gây sức ép ngày càng nặng nề lên nhiều thế hệ học trò làng tôi.

Lớn lên đi xa, đến nhiều nơi, gặp nhiều người, tôi nhận ra có rất nhiều người chưa từng được vinh danh là “cái trán" của khu phố, của xóm làng, của cộng đồng nhưng họ sống vô cùng hạnh phúc. Họ đóng góp rất nhiều cho cuộc sống bằng sự giàu có và rất yêu lao động. Một người trồng cây cảnh mỗi năm bán ra thị trường thu về hàng trăm tỉ đồng. Một người chơi ... thả diều đến đẳng cấp nghệ nhân, cũng ngược Á xuôi Âu đi trình diễn nhiều kì lễ hội với những lời mời kèm tài trợ. Một anh thợ mộc ven con sông Phố Lợi làm những chiếc lồng chim và bán được với giá ngang một chiếc xe hơi tầm trung. Hơn hết họ làm những điều đó bằng đam mê, và rồi đam mê bù đắp lại cho chính họ, cho cuộc sống của cả những người xung quanh.

Lại một mùa thi Đại học đã về. Đường phố sáng sớm cuồn cuộn người và xe. Thí sinh và người nhà hộ tống. Cuộc sống không chỉ có đỗ đạt mới là hạnh phúc. Cũng như thành đạt không chỉ có một con đường là đi học và đi thi. Trường thì chỉ là nơi ganh đua chốc lát chứ không thể đủ chỗ cho tận cùng đam mê của mỗi người. Chính vì thế mà báo Hoa học trò vẫn luôn khuyên bạn đọc "Hãy giữ cho mình niềm đam mê khác biệt".

(Đủ chỗ cho đam mê khác biệt, Bay xuyên những tầng mây, Hà Nhân , NXB Văn học)

HƯỚNG DẪN ĐỌC HIỂU

Trước khi đọc văn bản

Hãy đọc lướt qua nhan đề, nguồn trích dẫn, câu chủ đề, phân chia bố cục các đoạn, sau đó tự trả lời các câu hỏi dưới đây:

Tiêu đề của văn bản cho biết tác giả đang bàn về vấn đề gì?

Thái độ của tác giả đối với vấn đề đó?

Tôi đã biết có về vấn đề đó?

Tôi có thể dự đoán được những gì?

Trong khi đọc văn bản

Đọc văn bản trên và trả lời câu hỏi dưới đây:

Câu 1: Nêu phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Câu 2: Theo tác giả văn bản, điều gì đã gây sức ép ngày càng nặng nề lên nhiều thế hệ học trò?

Câu 3: Hãy giải thích ý nghĩa của câu nói: Trường thì chỉ là nơi ganh đua chốc lát chứ không thể đủ chỗ cho tận cùng đam mê của mỗi người?

Câu 4: Theo anh /chị, tâm lí coi đi học và đỗ đạt là cơ hội đổi đời, là phẩm giá, là mục tiêu của nhiều thế hệ, của dòng họ, của xóm, của làng, của huyện... có ảnh hưởng như thế nào đến mỗi cá nhân và toàn xã hội?

Sau khi đọc văn bản: Hãy viết một đoạn văn ( khoảng 200 chữ ) bày tỏ ý kiến của em về thông điệp trong văn bản: Hãy giữ cho mình niềm đam mê khác biệt.

BÀI LÀM

Trước khi đọc văn bản

Văn bản không có nhan đề nhưng dựa vào nguồn trích dẫn, câu chủ đề tôi có thể phán đoán văn bản đang đề cập đến những áp lực học tập và thi cử nhất là khi thi đại học mà học sinh đang phải trải qua.

Tác giả có thể có thái độ phê phán căn bệnh trọng thành tích, trọng điểm số. Mong muốn đưa ra lời khuyên dành cho các bạn trẻ hãy giữ cho mình niềm đang mê, sẵn sàng sống khác biệt.

Tôi đã nghe vấn đề này rất nhiều lần, tôi muốn đọc xem tác giả có đủ thuyết phục tôi bằng những dẫn chứng đưa ra hay không?

Trong khi đọc văn bản

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của văn bản: nghị luận.

Câu 2: Theo tác giả văn bản, điều đã gây sức ép ngày càng nặng nề lên nhiều thế hệ học trò:

- Nhiều thế hệ trước đã học hành xuất sắc, đỗ đạt cao, có nhiều cơ hội, thành đạt trong cuộc sống.

- Quan niệm đi học và đỗ đạt là cơ hội đổi đời, là phẩm giá, là mục tiêu của nhiều thế hệ, của dòng họ, của xóm, của làng, của huyện...

Câu 3: Học sinh cần giải thích ý nghĩa của câu nói:

+“Trường thi chỉ là nơi ganh đua trong chốc lát ”: các cuộc thi chỉ mang giá trị nhất thời, gắn với một thời điểm, một nội dung học tập nào đó trong cả quãng đời rất dài của con người.

+” Đam mê tận cùng”: niềm yêu thích thật sự sâu sắc, mãnh liệt đối với một lĩnh vực nào đó.

+Ý nghĩa chung: trường thi là nơi con người thể hiện khả năng của mình trong một thời điểm nhất định. Nhưng một cuộc thi không phải là nơi con người có thể sống với tận cùng đam mê của mình, bộc lộ hết niềm yêu thích và khả năng của mình, không nên coi thi cử là mục đích cuối cùng.

Câu 4: Tâm lí coi đi học và đỗ đạt là cơ hội đổi đời, là phẩm giá, là mục tiêu của nhiều thế hệ,...có ảnh hưởng rất lớn đến mỗi cá nhân và toàn xã hội:

-Tích cực:

+ Suy nghĩ này tạo nên động lực mạnh mẽ để mỗi cá nhân phấn đấu học hành, đỗ đạt.

+ Suy nghĩ này khiến xã hội càng coi trọng tri thức, quan tâm và sẵn sàng đầu tư cho việc học.

- Tiêu cực:

+ Làm nảy sinh tư tưởng coi trọng bằng cấp, danh tiếng, chạy theo những giá trị hình thức, không coi trọng học vấn đích thực.

+ Nảy sinh những hiện tượng tiêu cực: làm bằng giả, tìm mọi cách gian lận trong thi cử để đỗ đạt ...

+ Khi không thể đáp ứng sự kì vọng của gia đình về sự đỗ đạt, nhiều người trẻ tuổi đã tìm đến cái chết...

Sau khi đọc văn bản

Hãy viết một đoạn văn ( khoảng 200 chữ ) bày tỏ ý kiến của em về thông điệp trong văn bản: Hãy giữ cho mình niềm đam mê khác biệt.

GỢI Ý

Giải thích

Đam mê khác biệt là niềm đam mê riêng, độc đáo, không trùng lặp với người khác. Câu nói khuyên những người trẻ tuổi cần phải tìm kiếm niềm đam mê riêng của bản thân mình. Đam mê khác biệt không có nghĩa dị biệt.

Phân tích

Hãy dữ cho mình niềm đam mê khác biệt vì niềm đam mê đó sẽ mang lại cảm hứng cho cuộc sống, tạo nên động lực mạnh mẽ để chúng ta vượt qua mọi khó khăn thách thức, biến ước thành hiện thực.

Khi giữ được niềm đam mê khác biệt, con người sẽ tập trung toàn bộ trí lực, không ngừng sáng tạo, mở ra những con đường mới mẻ, đạt đến đỉnh cao của nghề nghiệp. Đam mê khác biệt sẽ giúp bạn khẳng định khả năng của mình, cống hiến cho cuộc đời, tạo nên dấu ấn riêng và truyền cảm hứng cho mọi người.

Bình luận

Trong thực tế, nhiều người vẫn đang sống một cách phù phiếm, hời hợt, không biết mình đam mê điều gì, hoặc có đam mê nhưng không đủ can đảm và kiên trì để theo đuổi. Tìm kiếm và sống với đam mê không phải là dễ dàng, đòi hỏi mỗi cá nhân phải quyết tâm cao độ, tập trung tất cả trí tuệ, công sức, dũng cảm vượt qua chính mình và thử thách của hoàn cảnh

Bài học & liên hệ bản thân

Cuộc sống không nhất thiết phải đi theo con đường học vấn trường lớp mới thành công. Đại học không phải là đích đến cuối cùng. Nó chỉ là nấc thang đi đến đam mê. Jack Ma đã từng 3 lần trượt đại học, 10 lần nộp đơn vào Harvard bị từ chối cả 10 và 30 lần bị từ chối xin việc. Thế nhưng hiện nay, ông đã trở thành người đàn ông giàu nhất Trung Quốc nhờ những suy nghĩ và cách làm khác biệt của mình. Vì vậy chúng ta cần phải tìm kiếm cho mình một niềm đam mê đích thực trong cuộc sống. Nếu đã tìm thấy phải có quyết tâm theo đuổi điều mình đam mê đến cùng.